Dư luận - Nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì Kiểm toán nhà nước phải chú trọng tập trung vào đó

(BKTO) - Trân trọng ghi nhận những ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ khẩn trương cụ thể hoá vào chương trình công tác năm 2025 và các năm tiếp theo, đảm bảo các chỉ đạo được triển khai tốt nhất.

dai-bieu-tham-du.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: PV

Kết quả mà KTNN đã đạt được trong năm 2024 đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định và đánh giá cao. KTNN đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác với phương châm chất lượng chất lượng và chất lượng hơn nữa. Chất lượng còn được thể hiện rõ qua con số thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt 82%, đồng thời được thể hiện qua việc các cơ quan, đơn vị hết sức quan tâm đến KTNN, chủ động mời KTNN đến kiểm toán đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị.

Hoạt động kiểm toán càng phải chất lượng hơn

Nhấn mạnh năm 2025 là năm hết sức ý nghĩa đối với đất nước và Ngành, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm ngày thành lập nước, 95 năm ngày thành lập Đảng, là năm vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc với yêu cầu phải tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ chung giai đoạn 2021-2025.

KTNN quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2025, góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Theo đó, toàn Ngành sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp, đồng thời chú trọng, quan tâm đến một số nội dung.

tong-ktnn-3.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu đáp từ chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: PV

Đặc biệt, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, nội dung quan trọng nhất chính là tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành, cụ thể là thực hiện tốt Kế hoạch kiểm toán năm 2025; tham gia ý kiến chất lượng vào dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; sẵn sàng tham gia, có ý kiến chất lượng vào các dự án lớn của Quốc hội và công tác giám sát của Quốc hội, trong đó chuẩn bị sẵn sàng, nghiên cứu để cho ý kiến vào dự án đường sắt tốc độ cao…

Muốn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán, toàn Ngành phải chú ý thực hiện phương châm “An toàn - Uy tín”, muốn an toàn và uy tín thì phải chất lượng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Muốn chất lượng thì phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách, báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề và đánh giá kết quả của họ so với năm trước có gì tiến bộ không, có thất thoát, lãng phí ở đâu? Nhất là phải quan tâm xem dư luận - nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải biết và chú trọng tập trung vào đó để kiểm toán, xác nhận - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ rõ.

Mặc dù KTNN được đánh giá cao trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng từ góc độ người đứng đầu Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận thấy số cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành còn hạn chế. Vì thế, giải pháp toàn Ngành đặt ra trong thời gian tới là phải tập trung đánh giá những chồng chéo, tồn tại của khuôn khổ pháp lý, kiến nghị các cơ quan sửa đổi, bổ sung; đánh giá kỹ hơn, sâu hơn để tiếng nói của KTNN phải quan trọng hơn nữa; làm tốt vai trò tư vấn cho địa phương để công tác điều hành hiệu quả, chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán…

Đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần của Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trước khi Trung ương tổng kết, KTNN đã thành lập Ban rà soát, đánh giá và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN. Mục tiêu là để có bộ máy tinh gọn rồi, KTNN sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, tập trung đánh giá cán bộ và phát triển công tác đào tạo bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…, qua đó hình thành văn hóa công vụ của Ngành.

quan-canh-hn-3.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: PV

Liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, KTNN sẽ thành lập Ban xây dựng Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng làm Trưởng ban. Mục tiêu đề ra là xây dựng Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành trường mẫu trong các Bộ, ngành về tổ chức đào tạo cán bộ.

Về công tác nghiên cứu khoa học của KTNN thời gian qua cũng có rất nhiều tiến bộ, thay đổi cách thức, đặt hàng và mời các chuyên gia đầu Ngành bên ngoài đánh giá về các kết quả, đề tài nghiên cứu khoa học của KTNN.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, KTNN cũng đã cơ bản hoàn thiện khung khổ pháp lý của Ngành, điểm nhấn nổi bật là KTNN đã ban hành 43 chuẩn mực KTNN phù hợp với hướng dẫn của INTOSAI và thay đổi phù hợp với các quy định trong nước.

KTNN cũng chú trọng xây dựng cơ sở vật chất cho Ngành, quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, điều kiện làm việc, kiện toàn chế độ lương thưởng.

Đối với công tác hợp tác quốc tế, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn giao 2 nhiệm vụ trọng tâm, một là học tập những kinh nghiệm hay và quý đã áp dụng phổ biến, thành công trên thế giới, đã được INTOSAI và ASOSAI hướng dẫn cụ thể để rà soát, biên soạn và phổ biến trong Ngành; hai là nâng cao uy tín, khẳng định vai trò của KTNN trong các diễn đàn song phương và đa phương, đặc biệt trong vai trò Ủy ban Kiểm toán của ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.

KTNN cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Cùng với việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống, tích cực ứng dụng 38 phần mềm phục vụ hoạt động của Ngành, KTNN sẽ thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán, chẳng hạn, làm sao để cùng là một phát hiện kiểm toán diễn ra tại nhiều đơn vị thì toàn Ngành phải đưa ra cùng một kiến nghị thống nhất trên toàn quốc.

Trong không khí cả nước đang chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bối cảnh hiện nay Đảng bộ KTNN chuyển sinh hoạt về Đảng ủy Quốc hội, góp phần nâng tổng số Đảng viên của Đảng ủy Quốc hội lên gấp 3 lần (KTNN có khoảng 1.700 đảng viên), Đảng bộ KTNN có vai trò rất lớn, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đặt ra yêu cầu: hoạt động của các tổ chức Đảng thuộc KTNN phải thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, đảng có mạnh thì chi bộ mạnh, chi bộ mạnh thì phải có đảng viên hăng hái và gương mẫu đi đầu. Hoạt động của các đoàn thể thời gian qua cũng đã làm rất tốt bề nổi, nhưng bề sâu cần phải tốt hơn, đơn cử đoàn thanh niên của Ngành cần đi đầu gương mẫu trong ứng dụng công nghệ thông tin và học ngoại ngữ…. - Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn ví dụ và nêu yêu cầu./.

Cùng chuyên mục
Dư luận - Nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì Kiểm toán nhà nước phải chú trọng tập trung vào đó