Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành Ngân hàng Hà Giang, vượt qua nhiều thách thức để đạt được những kết quả ấn tượng.
Theo đó, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 31.005 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023, trong khi huy động vốn đạt 34.158 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,2 - 0,4%/năm, giúp hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Công tác chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật: Số lượng thẻ ATM phát hành đạt 517.788 thẻ (tăng 13%), số máy POS tăng lên 220 máy (tăng 52 máy), đáp ứng nhu cầu giao dịch hiện đại của người dân.
Tính đến ngày 06/12/2024, số hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học trên tổng số hồ sơ khách hàng hiện có đạt 44,2%. Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, với các biện pháp như miễn, giảm lãi suất cho 19 khách hàng (dư nợ 264 tỷ đồng), giãn nợ cho 299 khách hàng với gần 18 tỷ đồng. Kêu gọi, ủng hộ công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh gần 25 tỷ đồng.
Năm 2025, ngành Ngân hàng Hà Giang đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn và tín dụng 6%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tập trung vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn; tiếp tục hỗ trợ tích cực các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững...
Với quyết tâm và tinh thần đổi mới, ngành Ngân hàng Hà Giang hướng tới một năm 2025 tăng tốc và bứt phá, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã yêu cầu ngành Ngân hàng của Tỉnh tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay gắn với các chương trình phát triển của tỉnh; các tổ chức tín dụng quan tâm, thâm nhập sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của khách hàng, để tất cả người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng; nâng cao công tác tham mưu thuộc thẩm quyền với Tỉnh ủy để thực hiện tốt hơn các chính sách.
Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong ngành Ngân hàng, tập trung chấn chỉnh hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường điện tử trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới./.