Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh |
Chỉ tiêu bình đẳng giới chưa đầy đủ và toàn diện
Các ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định), Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Nguyễn Văn Huy (Thái Bình); Trần Quang Minh (Quảng Bình), Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)… đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh |
Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2 Điều 48 theo hướng “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”, ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm khắc phục sự không thống nhất về số liệu thông tin giữa các cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh cũng như bảo đảm niềm tin đối với thông tin thống kê nhà nước. Tuy nhiên, để việc áp dụng quy định này được thống nhất, khả thi, phù hợp với nguyên tắc hoạt động của thống kê là trung thực, khách quan, chính xác, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và thống kê có tính so sánh, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị, làm rõ trường hợp vẫn không có sự thống nhất giữa các cơ quan thì ý kiến của cơ quan nào là cuối cùng. Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định khái quát và đầy đủ hơn để đảm bảo không chỉ thống nhất số liệu thông tin thống kê của thống kê cấp tỉnh với thống kê Trung ương mà còn thể hiện được sự thống nhất về số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và số liệu thống kê của các bộ, ngành.
Đối với chỉ tiêu về bình đẳng giới, dự thảo Luật đưa ra 4 chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND… Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, các chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới và vấn đề chính trị chưa có các chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, việc làm, lao động, y tế… Do vậy, cần bổ sung, cập nhật các chỉ tiêu đầy đủ, phù hợp với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021; đồng thời, phải hài hòa với thông lệ quốc tế, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.
Cùng quan điểm cho rằng chỉ tiêu bình đẳng giới chưa đầy đủ và toàn diện, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế), ĐBQH Ma Thị Nống (Thanh Hóa)… đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu nữ lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.
Quang cảnh phiên họp Ảnh: Quang Khánh |
Giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê người tham gia bảo hiểm y tế
Tại nhóm 7 chỉ tiêu về tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tách bảo hiểm thành nhóm riêng và gọi là nhóm an sinh xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của quốc gia về khía cạnh xã hội. Việc để các chỉ tiêu này nằm trong nhóm 7 là chưa phù hợp, không đúng với tính chất xã hội của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà chỉ phù hợp với các loại hình bảo hiểm thương mại.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thành chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Vì Nghị quyết số 28 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã có quy định về mục tiêu cụ thể thực hiện chỉ tiêu này đối với bảo hiểm xã hội. Việc phân tách số người tham gia bảo hiểm xã hội theo 2 hình thức bắt buộc và tự nguyện và phân tách số lượng nam, nữ tham gia có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá hệ thống an sinh xã hội của quốc gia, tiêu chuẩn lao động quốc tế và giúp việc hoạch định chính sách để giảm bớt khoảng cách giới trong tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Thống kê năm 2015, các chỉ tiêu liên quan đến số người đóng, hưởng, thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều đang do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện và đã, đang thực hiện hiệu quả do đã có cơ sở dữ liệu điện tử. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị, giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thực hiện thống kê tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế thay vì giao cho Tổng cục Thống kê có thể làm phát sinh chi và nhân lực.