Nhận định này được nêu tại Tọa đàm “Dự toán NSNN năm 2023 - Triển vọng và thách thức” do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức tại Hà Nội vào chiều 10/11.
Dự toán thu ngân sách năm 2023 quá thận trọng?
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính - cho biết, căn cứ tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ NSNN 9 tháng đầu năm, ước thực hiện tổng thu ngân sách năm 2022 là 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán (vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP; thuế phí đạt 13,9% GDP. Tổng chi NSNN khoảng 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với dự toán.
Theo đó, ước bội chi NSNN 421,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5% GDP. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP.
Dự toán NSNN năm 2023 được xây dựng trên cơ sở GDP tăng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; giá dầu thô 70 USD thùng.
Cụ thể, dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022.
Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.
Dự toán chi NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022.
Bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 44 - 45% GDP.
Bình luận về dự toán NSNN năm 2023, ông Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính - cho rằng dự toán thu ngân sách năm 2023 đã có nhiều điểm tích cực.
Dự toán có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi chi NSNN, có thuyết minh về thay đổi các khoản thu, chi chính. Dự thảo cũng đã đánh giá và so sánh với ước thực hiện năm 2022 về thu, chi và cân đối NSNN.
Dự toán cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi theo hướng phù hợp hơn khi giảm tỷ trọng chi thường xuyên; chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 2,4 điểm phần trăm và tăng 38,1% về giá trị so với dự toán năm 2022.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng dự báo số tăng thu năm 2023 quá thận trọng bởi chỉ tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022.
Hơn nữa, tổng thu NSNN giai đoạn 2023-2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 3 năm 2020-2022. Trong khi đó, trung bình giai đoạn 2016-2021, thu ngân sách tăng 24,6% tính theo GDP cũ và 18,5% tính theo GDP điều chỉnh.
TS. Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cũng nhận định, dự toán thu ngân sách năm 2023 quá thận trọng.
Bên cạnh đó, mặc dù theo dự toán, năm 2023, tỷ lệ huy động vào NSNN giảm còn khoảng 15,7% GDP so với mức 17,2% GDP năm 2022 có thể là một tín hiệu đáng mừng về sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp nhưng nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra, cơ cấu chi NSNN năm 2023 có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư, chiếm 35% tổng chi cân đối NSNN 2023, tăng 2,4 điểm phần trăm, tăng 38,1% về số tuyệt đối so với dự toán năm 2022 nhưng các chuyên gia cho rằng giải pháp cho việc giải ngân là chưa rõ. Bởi lẽ, nếu giải ngân tiếp tục chậm như những năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ Tài chính nói gì?
Trao đổi về các ý kiến trên, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính - cho rằng, sở dĩ số tăng thu ngân sách năm 2023 theo dự toán không cao do tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại đang có nhiều biến động.
Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm, tốc độ thu ngân sách khoảng 11% dự toán nhưng trong những tháng gần đây, tốc độ thu chỉ còn khoảng 6%, có tháng là 4% cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh.
Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế, như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, thị trường tài chính, thị trường vốn đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới...
Thêm vào đó, diễn biến kinh tế thế giới còn có nhiều yếu tố khó lường, trong kịch bản cập nhật gần nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy suy giảm kinh tế đang hiển hiện rõ rệt ở các nền kinh tế lớn trên thế giới và trong khu vực.
Chính vì vậy, Việt Nam lựa chọn giải pháp chủ động để ứng phó với những biến động của thế giới và trong nước.
Về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Tân cho rằng bên cạnh nguyên nhân do việc đấu thầu, giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng thì tổng vốn đầu tư năm 2022 tăng nhiều so với năm 2021 do triển khai gói kích cầu kinh tế - xã hội. Vì vậy, mặc dù tốc độ giải ngân năm 2022 thấp hơn năm 2021 nhưng số tuyệt đối vẫn cao so với cùng kỳ năm ngoái./.