Đủ vốn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp

(BKTO) - Đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của cả nước mới đạt hơn 34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 3% về tỷ lệ và 35.000 tỷ đồng về số tuyệt đối. Trong khi đó, năm 2024, vốn ĐTC được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương chỉ bằng 95% so với năm 2023.

10.jpg
Đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của cả nước mới đạt hơn 34%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 3%. Ảnh minh họa

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ hơn năm ngoái

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC, cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc; nguồn vốn có đủ, sẵn sàng chi trả cho các dự án, công trình khi có khối lượng hoàn thành; thủ tục thanh toán nhanh chóng. Thế nhưng, kết quả giải ngân vẫn không như kỳ vọng. Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn ĐTC 7 tháng của cả nước khoảng 232.091 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch và đạt 34,68% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 tới trên 3%. Trong khi đó, năm 2024, tổng mức ĐTC chỉ là 657.000 tỷ đồng, còn năm 2023, tổng mức ĐTC của cả nước là hơn 710.000 tỷ đồng.

Ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2024 phải bứt phá trong giải ngân vốn ĐTC, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 50% kế hoạch vốn được giao), vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc chưa giải ngân. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được giao số vốn lớn, chiếm lần lượt là 12,1% và 11,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước nhưng hiện tại cả 2 địa phương đều giải ngân thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Điều này cũng tương tự đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Bên cạnh một số dự án có tỷ lệ giải ngân tốt như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (46,8%); Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (gần 42%) vẫn còn một số dự án được giao vốn kế hoạch năm 2024 rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp. Cụ thể, dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được giao 9.805 tỷ đồng nhưng giải ngân mới đạt 13,5%; dự án Đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh được giao trên 21.490 tỷ đồng, giải ngân đạt 13,4%.

Nguyên nhân giải ngân chậm vẫn phải kể đến là: Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hơn thế, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... cũng gây chậm trễ trong giải ngân vốn ĐTC.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, liệu chúng ta có thể xem xét, áp dụng quy định: Nếu các hộ dân bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù vào quý I của năm thì sẽ nhận được số tiền đền bù là 2 triệu đồng/1m2; nếu bàn giao và nhận tiền đền bù vào quý III của năm thì sẽ nhận được số tiền đền bù là 1,5 triệu đồng/1m2; nếu bàn giao và nhận tiền đền bù vào quý II của năm sau thì sẽ nhận được số tiền đền bù là 1 triệu đồng/1m2 hay không?

PGS, TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 28,8%. Hiện vốn ĐTC “nằm” ở kho bạc lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chúng ta đi vay vốn ODA có lãi suất 6%, các doanh nghiệp cũng đi vay với lãi suất 10-12%/1 năm. Đây là sự lãng phí. Trong khi đó, các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... rất ách tắc. Nếu không tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC thì sẽ rất khó thúc đẩy kinh tế phát triển. Nếu ĐTC ách tắc thì các ngành phụ trợ cũng gặp khó khăn.

Bộ, ngành, địa phương rốt ráo vào cuộc

Năm 2024, TP. Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao 81.033 tỷ đồng vốn ĐTC, cao hơn 1,73 lần so với kế hoạch được giao năm 2023. Đến hết tháng 7, Thành phố đã giải ngân 23.290 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ nay đến cuối năm, TP. Hà Nội tiếp tục thúc đẩy triển khai kế hoạch ĐTC trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm; báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn ĐTC của các dự án có vướng mắc, giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao.

Gần hết tháng 7/2024, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được 11.805 tỷ đồng vốn ĐTC, đạt gần 15% kế hoạch. Để giải ngân hết 67.400 tỷ đồng còn lại, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố yêu cầu các đơn vị mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng và phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95%. Thường trực UBND Thành phố cũng sẽ tăng cường đi công trường, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư với tinh thần vướng đâu gỡ đó. Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chính quyền cần chủ động vận động, thuyết phục người dân và hoàn tất các thủ tục hành chính; các sở, ngành cần rút ngắn ít nhất 40% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư. Đặc biệt, UBND Thành phố kiên quyết cắt giảm vốn đối với các dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tác động lan tỏa để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Chính phủ giao 9.935 tỷ đồng vốn ĐTC. Đến hết ngày 31/7/2024, ước tỷ lệ giải ngân của Bộ đạt 54,3% kế hoạch, tương đương 5.392,3 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, tạo động lực tăng trưởng ngành. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn 2021-2025 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án, đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án...

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - cho biết, để cải thiện tình trạng giải ngân, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật để các Bộ, ngành chủ trì, soạn thảo tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết luôn sẵn sàng thực hiện giải ngân vốn ĐTC ngay khi có khối lượng hoàn thành. Đặc biệt, KBNN còn có hệ thống giám sát giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến đảm bảo không chậm việc tiếp nhận hồ sơ gửi đến kho bạc./.

Cùng chuyên mục
Đủ vốn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp