Xin bà cho biết những kết quả đột phá trong ngành nông nghiệp thời gian qua có dấu ấn của KHCN?
Thời gian qua, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực, giải quyết yêu cầu thực tiễn. Ứng dụng KHCN bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, công nghệ sau thu hoạch…, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Ứng dụng KHCN, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường đã góp phần giải quyết lao động nặng nhọc, kịp thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; góp phần hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: Áp dụng giải pháp, công nghệ mới, vật liệu mới và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Việc ứng dụng KHCN vào thay đổi giá trị sản xuất nông nghiệp còn gặp trở ngại đáng chú ý gì, thưa bà?
Trong những năm qua, các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động KHCN được ban hành đã phát huy tác động tích cực, góp phần cải thiện điều kiện nghiên cứu và nhiều kết quả nghiên cứu được công bố và ứng dụng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Hệ thống chính sách về hoạt động KHCN đã từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, Luật KHCN được Quốc hội thông qua năm 2013 đã trở thành khung pháp lý cao nhất và tổng hợp nhất cho hoạt động KHCN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần xã hội tham gia hoạt động trong lĩnh vực KHCN.
Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai cho thấy, Luật KHCN vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập; nhiều chính sách đã được đưa vào Luật nhưng chưa triển khai thực hiện được; trình tự, thủ tục, quy trình xem xét, xét duyệt nhiệm vụ KHCN còn kéo dài, nhiều thủ tục hành chính còn bất cập, chậm được tháo gỡ; các vấn đề liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp KHCN... chưa được quan tâm. Đặc biệt, vấn đề xử lý tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu còn nhiều bất cập.
Vì vậy, để đảm bảo đổi mới toàn diện về đầu tư, cơ chế chính sách, trình tự thủ tục... trong tất cả các nội dung hoạt động KHCN, việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật KHCN cần mang tính tổng thể, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ để thúc đẩy phát triển KHCN theo hướng hội nhập, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN của các tổ chức KHCN công lập. Hiện, Bộ NNPTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN, có ý kiến tham gia góp ý, đề xuất những nội dung cần thiết phải đưa vào Dự thảo Luật KHCN sửa đổi.
Thời gian qua, KTNN đã chỉ ra những bất cập trong triển khai thực hiện chính sách về phát triển KHCN trong nông nghiệp. Từ thực tiễn tại ngành, bà có thể cho biết rõ hơn những bất cập này và nỗ lực của ngành trong thực hiện các kiến nghị kiểm toán, cũng như kiến nghị để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ KHCN?
Từ góc độ đơn vị KH&CN thuộc ngành nông nghiệp, chúng tôi trân trọng những ý kiến đánh giá của KTNN; đồng thời mong muốn KTNN tiếp tục đồng hành với ngành nông nghiệp và có những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KHCN, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy
Năm 2023, KTNN đã triển khai kiểm toán chuyên đề KHCN giai đoạn 2020-2022 tại Bộ NNPTNT; kết luận của KTNN đã đánh giá cao các kết quả KHCN của ngành nông nghiệp, tính ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và hiệu quả đầu tư cho KHCN đối với Bộ NNPTNT, tính tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý KHCN... Qua kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc và có kiến nghị giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KHCN. Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Để giải quyết tổng thể những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KHCN, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới toàn diện như:
Thứ nhất, cần thay đổi phương thức đầu tư cho KHCN. Theo đó, cần chuyển sang phân bổ nguồn vốn sự nghiệp khoa học ngành về cho các Bộ, ngành để chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả, bám sát nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, với đặc thù ngành nông nghiệp, nhiều sản phẩm KHCN là quy trình, tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn…, khi chuyển giao cho nông dân không những không thu phí mà Bộ còn phải thông qua hệ thống khuyến nông, đào tạo tập huấn để khuyến cáo bà con nông dân áp dụng. Do đó, đề nghị có quy định rõ về việc thu hồi đối với những tài sản là sở hữu trí tuệ hình thành từ nhiệm vụ KHCN thông qua hình thức các loại thuế khi tài sản đó được chuyển giao, thương mại hóa…
Thứ ba, cần sớm quy định đồng bộ về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập KHCN; giao tự chủ triệt để cùng với giao tự chủ về biên chế, tổ chức và tài chính, tài sản. Quy định rõ các cơ chế để khuyến khích hợp tác, liên kết, liên doanh để sử dụng hiệu quả tài sản của các đơn vị KHCN. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đấu thầu nguyên vật liệu…, để phù hợp với tính đặc thù trong nghiên cứu và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KHCN.
Thứ tư, cần có chính sách cụ thể để đổi mới, nâng cao tiềm lực, quy hoạch lại các tổ chức KHCN công lập; tăng cường mối liên kết các cơ sở đào tạo với các cơ sở nghiên cứu chuyển giao để đào tạo được đội ngũ cán bộ KHCN đủ trình độ và tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!./.