Đưa kiến nghị của doanh nghiệp dệt may vào Bộ Hỏi - Đáp chính sách hỗ trợ

(BKTO) - Kiến nghị của Tập đoàn Dệt may và Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ được đưa vào Bộ Hỏi - Đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.



                
   

Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam về triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 - Ảnh:molisa.gov.vn

   

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh khẳng định điều này tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các cơ quan liên quan về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (Quyết định 23) mới đây.

Kiến nghị tăng mức hỗ trợ người lao động ngừng việc

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do thiếu hụt đơn hàng, nhiều NLĐ thuộc Tập đoàn đã phải ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trước mắt và kế hoạch phát triển dài hạn của Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Thực tế, Tập đoàn đã gặp phải một vài vướng mắc liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tập đoàn kiến nghị tăng mức hỗ trợ NLĐ ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, hướng tới trở thành đơn vị đầu mối cho toàn bộ công ty thành viên trong Tập đoàn triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đánh giá, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 không những hỗ trợ mà còn “cứu” NLĐ và NSDLĐ trong giai đoạn khó khăn này. Ông Cẩm đề xuất điều chỉnh tăng số giờ làm thêm của NLĐ để vừa kịp thời hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh vừa không vi phạm quy định của pháp luật lao động; đồng thời kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ bằng Quỹ Công đoàn.

Giải đáp vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ

Đối với những vướng mắc về công tác triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Tập đoàn Dệt may và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định đây cũng là một trong nhiều vướng mắc mà các sở, ngành địa phương đang gặp phải. Tất cả những phản ảnh, kiến nghị của Tập đoàn Dệt may và Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ được đưa vào Bộ Hỏi - Đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây sẽ là một công cụ giúp cho các sở, ngành địa phương, các DN và người dân giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai để Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và thực chất.

Thứ trưởng ghi nhận đề xuất tăng mức hỗ trợ NLĐ ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động và khẳng định Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tiễn tại các địa phương để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo đời sống cho người dân.

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc trực tiếp với Tập đoàn và các cơ sở đào tạo nghề để tổng hợp nhu cầu, bố trí phương thức đào tạo cho phù hợp; đồng thời giải đáp vướng mắc, hỗ trợ Tập đoàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị dựa trên bộ hồ sơ mẫu.

“Bộ LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng hỗ trợ DN tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đồng thời khẳng định lại một lần nữa quan điểm chỉ đạo điều hành của Bộ LĐ-TB&XH trong triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là “thủ tục tiếp nhận chỉ bớt chứ không thêm, thời gian giải quyết chỉ giảm chứ không tăng”./.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đưa kiến nghị của doanh nghiệp dệt may vào Bộ Hỏi - Đáp chính sách hỗ trợ