Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới

(BKTO)- Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh Diễn đàn

   

Theo thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm hơn 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7,1 tỷ USD. Việt Nam đang trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Đặc biệt, năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm 2017; gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 10 triệu m3 quy tròn. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho hơn 25 triệu hộ dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, cả nước có 4.500 DN chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 95% là DN tư nhân, 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 DN, tăng hơn 300 DN so với năm 2017. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Năm 2019, Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5- 1,7 tỷ USD (tương ứng 16 - 18 %) so với năm 2018 lên 10,8 - 11 tỷ USD. Trong đó, chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc; đồng thời, mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khác trên thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà Ngành Lâm nghiệp đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập như: đầu tư của Nhà nước chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành; chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt, chưa hỗ trợ cho các DN đầu tư vào chế biến, chưa hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng còn hạn chế; mối liên kết giữa người trồng rừng với DN chế biến và thị trường còn chưa chặt chẽ; xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu ngành cần tiếp tục bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 mà phải đạt ở mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD gắn với khát vọng vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản, Việt Nam là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành cần đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng, xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng lâm sinh; ngành Ngân hàng cần nghiên cứu gói tín dung cụ thể với lãi suất ưu đãi để các DN mở rộng đầu tư sản xuất, để người dân trồng rừng thuận lợi tiếp cận, vay vốn trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó là các giải pháp về công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao, liên kết, thị trường.

Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục quyết liệt hành động đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với DN đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ lâm sản phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Tin, ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới