EU cần 800 tỷ euro mỗi năm để vực dậy nền kinh tế trì trệ

(BKTO) - Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.

eurozone.png
Nền kinh tế châu Âu đang đình trệ so với các nền kinh tế lớn khác - Ảnh minh họa

Lấy lại sức mạnh kinh tế

Châu Âu đang tìm kiếm giải pháp để lấy lại sức mạnh kinh tế đã rơi vào tay Mỹ trong 20 năm qua, ngay cả khi muốn bảo vệ môi trường và tự lực hơn.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 2% mỗi năm, trong khi kinh tế châu Âu đang đình trệ. Năng suất lao động tại đây cũng tăng chậm hơn Mỹ trong 30 năm qua.

Theo CNN, ông Innes McFee, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ một năm qua thực sự vượt trội so với các nước giàu khác. So với Mỹ, châu Âu là khối kinh tế không đồng đều, với đầu tư thấp, dân số già hóa nhanh hơn, dòng chảy lao động, vốn và hàng hóa cũng không thực sự tự do, dù có thị trường chung 31 năm qua.

Cũng theo số liệu điều chỉnh mới nhất được công bố ngày 6/9 của cơ quan thống kê EU Eurostat, nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng thấp hơn ước tính trước đó trong quý 2 năm nay.

Khu vực gồm 20 quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 0,2% trong quý 2 so với quý trước đó, thấp hơn mức ước tính 0,3% được đưa ra hồi tháng Bảy.

Eurostat cũng đã điều chỉnh số liệu tăng trưởng kinh tế của EU, theo đó khối gồm 27 quốc gia này đã tăng trưởng 0,2% trong quý vừa qua, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 0,3%.

Các số liệu điều chỉnh nói trên có thể sẽ làm gia tăng những lo ngại về Eurozone, đặc biệt là đối với Đức, khi sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đè nặng lên tình hình chung của khu vực. Số liệu chính thức cho thấy kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý 2.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự phục hồi hoạt động sản xuất có thể chưa sớm diễn ra do nhu cầu tiêu dùng đang giảm với tốc độ mạnh nhất trong năm nay.

Khảo sát của ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) do S&P Global tổng hợp vừa được công bố ngày 2/9 cho thấy, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Eurozone đứng ở mức 45,8 trong tháng 8/2024, cao hơn mức ước tính sơ bộ 45,6 và nằm dưới mốc 50 - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang hứng chịu tình trạng thoái vốn. Năm 2023, đã có khoảng 330 tỷ euro đã chảy ra nước ngoài. Người châu Âu tìm đến các kênh đầu tư khác, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ có quy mô lớn hơn. Đầu tư công tại châu Âu hiện cũng thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Cần 800 tỷ euro mỗi năm

mario-draghi.jpg
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ông Mario Draghi - Ảnh sưu tầm

Người hiện chịu trách nhiệm lên kế hoạch giúp châu Âu vượt qua các thách thức này là ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ông nổi tiếng vì đã chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ năm 2012 tại đây, khi tuyên bố ECB sẽ làm "bất kỳ điều gì có thể" để bảo vệ đồng euro.

Để khắc phục, ông Mario Draghi kêu gọi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 800 tỷ euro (hơn 883 tỷ USD) mỗi năm, song cho rằng đây là một "thách thức sinh tử" đối với liên minh này.

Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), ông Draghi nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.

Ông khuyến nghị phát hành nợ chung mới để tài trợ cho các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực đổi mới, chuyển đổi xanh và quốc phòng.

Cựu Chủ tịch ECB cho rằng EU cần đầu tư thêm 800 tỷ euro mỗi năm để vượt qua tình trạng trì trệ hiện tại. Đây sẽ là khoản đầu "chưa từng có" và sẽ giúp liên minh này dẫn đầu trong công nghệ mới, đồng thời đạt được nhiều mục tiêu tham vọng khác. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị EU cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đổi mới hàng đầu và phát triển công nghệ sạch.

Báo cáo của ông cũng đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc EC phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập trong ngành công nghệ và quốc phòng. Ông cũng cho rằng nên nới quy định quản lý đối với ngành viễn thông và hỗ trợ mở rộng ngành này thông qua việc xem xét thị trường trên toàn EU.

Ông Draghi cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá các vụ sáp nhập nên xem xét yếu tố "đổi mới" và an ninh kinh tế.

Trong báo cáo, ông còn kêu gọi EU phát hành khoản nợ chung mới để tài trợ cho các nhu cầu về công nghiệp và quốc phòng, song ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ nhiều chính phủ.

Dù vậy, ngày càng có sự đồng thuận trong liên minh về việc cần cải cách ngân sách 1.200 tỷ euro (1.325 tỷ USD), với đề xuất chuyển hướng quỹ từ các khu vực nghèo hơn sang các chính sách hỗ trợ công nghiệp, số hóa và đổi mới.

Trong báo cáo, cựu Chủ tịch ECB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể đối với từng ngành, từ công nghiệp cho đến dược phẩm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ và đầu tư lớn để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác và đồng thuận từ tất cả các chính phủ trong khối cũng như sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp và đầu tư tư nhân.

Cùng chuyên mục
EU cần 800 tỷ euro mỗi năm để vực dậy nền kinh tế trì trệ