EU thông qua biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các nhà báo

(BKTO)- Ngày 21/6, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua các biện pháp bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các nhà báo và chuyên gia truyền thông.




                
   

Một cuộc biểu tình phản ứng vụ sát hại phóng viên điều tra người Slovakia Ján Kuciak và vợ ở Bratislava, Slovakia năm 2018 - Nguồn: Reuters

   

Theo đó, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) tăng cường tài trợ cho báo chí điều tra, cũng như đảm bảo an toàn của các nhà báo và chuyên gia truyền thông trên không gian mạng.

Các biện pháp trên được thông qua trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối đe dọa đối với các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo điều tra. Theo báo cáo của Hội đồng châu Âu, trong năm 2021, số tin cảnh báo về các mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của các nhà báo ở châu Âu đã tăng lên 282, gần gấp đôi so với năm 2016.

Ngoài các mối đe dọa đến sự an toàn của nhà báo, đời sống của các nhà báo và chuyên gia truyền thông ngày càng trở nên khó khăn và bấp bênh. Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, đóng cửa các phương tiện truyền thông, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng khó khăn kinh tế của các nhà báo.

Trước đó, ngày 27/4, EC đã đề xuất một dự luật của EU nhằm bảo vệ các nhà báo khỏi các vụ kiện mang tính lạm dụng, hay còn gọi là Vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của cộng đồng (SLAPP). Các quốc gia thành viên EU nhất trí trao đổi các thông tin liên quan đến việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp này vào năm 2025.

Năm 2021, EC đã đưa ra một loạt khuyến nghị để giúp các nước thành viên EU bảo đảm an toàn cho các nhà báo. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng ta phải bảo vệ những người tạo ra sự minh bạch-các nhà báo. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra những khuyến nghị để các nhà báo được bảo vệ tốt hơn”. Cụ thể, EC khuyến nghị các nước về việc cung cấp dịch vụ bảo vệ cũng như thiết lập đường dây nóng trợ giúp và hỗ trợ tâm lý cho những nhà báo bị đe dọa.

Đề cập đến sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cho các nhà báo khi tác nghiệp tại các cuộc biểu tình, nơi xảy ra nhiều vụ tấn công, EC cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật cần hỗ trợ, bảo đảm cho nhà báo cũng như các chuyên gia truyền thông khác có thể làm việc một cách an toàn, không bị ảnh hưởng trong các tình huống như vậy.

Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, EC cho rằng các nước thành viên EU nên chú trọng tới việc giữ an toàn cho nhà báo trên môi trường mạng. EC cũng đề nghị các quốc gia EU nỗ lực hơn nữa để bảo đảm các cuộc điều tra và việc truy tố những đối tượng tấn công, hành hung và đe dọa các nhà báo diễn ra một cách công bằng, hiệu quả.

Box: Theo số liệu của EC, trong năm 2020, tổng cộng 908 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị tấn công ở 27 quốc gia EU. Ngoài ra, có nhiều nhà báo, đặc biệt là nhà báo nữ đã phải đối mặt với hành vi đe dọa trên mạng. Kể từ năm 1992 tới nay, có 23 nhà báo bị giết hại ở các nước EU. Phần lớn các vụ sát hại xảy ra trong 6 năm qua.
NAM SƠN
Cùng chuyên mục
EU thông qua biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các nhà báo