Từ Tết mùa đến Tết Nguyên đán
Tìm về mảnh đất vùng cao Phước Sơn dịp cuối năm, khi không khí Tết Nguyên đán đang cận kề, chúng tôi có cơ hội cảm nhận rõ hơn những nét văn hóa độc đáo của người dân miền sơn cước. Trong số đồng bào dân tộc sinh sống tại đây, người B’hnoong (dân tộc Giẻ-Triêng) chiếm đại đa số và tập trung chủ yếu bên sườn núi phía Tây dãy Trường Sơn.
Qua biến thiên của lịch sử dần dần người B’hnoong sống lan tỏa hầu hết trong địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay ở các xã như: Phước Công, Phước Mỹ, Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc…
Người B’hnoong gói bánh chứng trong dịp Tết và đón Tết Nguyên đán chung với Tết của cộng đồng. Ảnh tư liệu do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phước Sơn cung cấp |
Trong quá trình hình thành và phát triển, người B’hnoong vùng núi huyện Phước Sơn ngày nay đã tạo nên những sắc thái đặc trưng riêng, thể hiện rõ nét qua kết cấu không gian văn hóa làng bản, nhà ở, trang phục, ẩm thực, nhạc cụ, phong tục - tập quán, lễ hội truyền thống và đặc biệt là văn hóa Tết. Điểm độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây, đó là trong tháng Chạp, người dân đồng thời đón 2 cái Tết lớn là Tết mùa và Tết Nguyên đán, trong đó, Tết mùa diễn ra trước Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng 10 ngày.
Là người dân tộc B’hnoong và gắn bó với cộng đồng dân tộc B’hnoong ở Quảng Nam từ nhiều đời nay, ông Hồ Văn Điều - nguyên Trưởng ban Dân tộc - Miền núi tỉnh Quảng Nam (hiện sống ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) cho biết, Tết mùa là phong tục được đồng bào truyền giữ từ bao đời nay. Cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng người B’hnoong vẫn nhớ ngày Tết của dân tộc mình.
“Người B’hnoong tin rằng, có rất nhiều vị thần như thần Sông, thần Núi, thần Lửa, thần Lúa…, luôn dõi theo, bảo vệ, phù hộ dân làng. Vì vậy, Tết mùa là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh đã mang lại vụ mùa tươi tốt; ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe, ít ốm đau và cầu mong cho mùa vụ mới bội thu, cuộc sống sung túc hơn” - ông Hồ Văn Điều cho biết.
Theo truyền thống, người B’hnoong ăn tết lớn nhất vào ngày đầu và ngày thứ 9 trong mười ngày Tết mùa. Những năm trước khi có dịch bệnh, suốt thời gian diễn ra lễ hội, ngoài ăn riêng theo từng hộ gia đình, người B’hnoong thường tập trung và ăn mừng tại nhà rông. Bà con trong bản sẽ mặc những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất, mang những món ăn truyền thống, các mặt hàng nông sản đến nhà làng để dâng cúng và mời nhau. “Điểm độc đáo là dù đón Tết, song người B’hnoong không bỏ bê ruộng đồng. Trừ ngày lễ chính, hoạt động vui chơi thường được tổ chức vào các buổi tối trong suốt dịp Tết” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Thế Thọ cho biết.
Sau Tết mùa, người dân lại chuẩn bị đón Tết Nguyên đán theo phong tục chung của đất nước. Nếu như Tết mùa gắn với những dấu ấn văn hóa rất riêng của người B’hnoong, thì Tết Nguyên đán lại là không gian văn hóa dần trở nên quen thuộc với người B’hnoong khoảng chục năm nay.
Theo đại diện thôn 3 xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn) cho biết thêm, trước đây người B’hnoong chỉ mừng Tết mùa rồi tập trung vào sản xuất nhưng bây giờ đồng bào đã quen dần với tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đêm giao thừa, người dân còn thức chờ Chủ tịch nước chúc tết rồi quây quần bên nhau uống chén rượu đầu năm và cầu chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống.
Đón Tết cổ truyền, người B’hnoong cũng gói bánh chưng, bánh tét và các loại đồ ăn phù hợp với phong tục chung của dân tộc. Trước Tết vài ngày, các gia đình quây quần bên nhau gói bánh thêm phần hương vị của Tết. Nếu như Tết mùa gói bánh sừng trâu bằng loại gạo rẫy vừa thu hoạch thì Tết Nguyên đán, các gia đình nơi đây sẽ gói những chiếc bánh tét, bánh chưng đẹp mắt với loại nếp thơm ngon và nhân đậu xanh được lựa chọn kĩ càng để ăn mừng và mời khách.
Ngày Tết không thể thiếu tiếng cồng chiêng
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, một trong những yếu tố không thể thiếu trong ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc nơi đây, đó là tiếng cồng chiêng. Sở dĩ vậy là vì người B’hnoong vốn mang trong mình dòng máu của núi rừng Tây Nguyên và nét văn hóa cồng chiêng vẫn được gìn giữ trong nhân dân cho đến nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 3 bộ cồng chiêng đều được người B’hnoong sử dụng trong nghi lễ như: Tết mùa, Tết Nguyên đán, lễ ăn mừng chiến thắng... Trong đó, bộ 6 chiếc khi đánh có tiết tấu rộn ràng và sôi nổi hơn. Tùy theo tính chất của tín ngưỡng mà người B’hnoong dùng từng bộ cồng chiêng thích hợp để đánh và có thể đánh bằng dùi hoặc bằng tay.
Nhà cộng đồng của người B’hnoong là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của làng, của đất nước. Ảnh: N.LỘC |
Đối với đồng bào người B’hnoong cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ bao đời nay như máu thịt. Họ luôn coi trọng tiếng cồng chiêng vì tin rằng trong những chiếc cồng chiêng ấy bao giờ cũng có hồn, là nơi cư ngụ của thần linh, tổ tiên. Tiếng cồng chiêng là ngôn ngữ để đồng bào giao tiếp với thần linh, tổ tiên. Nếu lễ hội càng lớn thì tiếng cồng chiêng càng có sức mạnh và linh thiêng hơn.
“Tiếng cồng chiêng của đồng bào B’hnoong luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn thiêng liêng của núi rừng, của con suối, dòng sông... nó đánh thức sự sống và luôn che chở người B’hnoong để rồi thôi thúc họ tin yêu vào cộng đồng, chăm lao động, bảo vệ núi rừng” - già làng Hồ Văn Nhun cho biết.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay Phước Sơn vẫn còn nhiều bộ cồng chiêng nằm rải rác ở các xã vùng cao như Phước Thành, Phước Lộc nhưng hầu hết đều bị thiếu và đang mất dần. “Để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa bộ cồng chiêng, huyện Phước Sơn đã đầu tư mua sắm trang phục cho đội biểu diễn, thường xuyên tổ chức tập luyện và biểu diễn trong dịp lễ hội, dịp tết” - ông Thọ nói.
Tập trung chăm lo Tết cho người dân
Hai năm vừa qua là khoảng thời gian rất khó khăn với người dân cả nước, khi dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Với người dân vùng cao ở Phước Sơn, những khó khăn như nhân đôi, khi liên tiếp phải đón nhận những tin dữ do thiên nhiên mang lại. Trong khi hậu quả của trận mưa bão cuối năm 2020 chưa được khắc phục thì những trận sạt lở trong năm vừa qua liên tục đặt chính quyền địa phương và người dân vào trạng thái báo động.
Không khí đón Tết đã ngập tràn tại Khu tái định cư Trà Vân A (xã Phước Kim). Ảnh: N.LỘC |
Chúng tôi tìm về Khu tái định cư Trà Vân A (xã Phước Kim) - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bão lũ cuối năm 2020, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần ổn định để bắt đầu cuộc sống mới. Trên mảnh đất đau thương ấy, những ngôi nhà mới được dựng lên, thay thế cho cảnh đổ nát - hậu quả của trận bão cuối năm 2020 để lại. Người dân lại bắt đầu cuộc sống mới với tất cả ý chí và tinh thần cách mạng được hun đúc từ bao đời nay.
Là một trong những trường hợp có nhà bị bão lũ cuốn trôi cuối năm 2020, anh Hồ Văn Sân cho biết, nếu như đợt Tết năm ngoái, hậu quả của bão lũ đã làm nhà cửa tan hoang, gia đình li tán mỗi người một nơi tránh bão, thì nay, gia đình sẽ được đón một cái Tết đoàn viên, dù rằng khó khăn vẫn còn ở phía trước. “Giờ về đây an toàn, đường xá thuận tiện cho bà con hơn xưa rất nhiều. Năm nay được chuẩn bị và đón Tết trong nhà mới, ấm áp hơn và không còn lo bị sạt lở. Ai nấy đều vui lắm” - anh Sân hồ hởi cho biết.
Tết Nguyên đán cận kề, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam vẫn tập trung tổ chức thi công, sửa chữa để người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Những đoạn đường quan trọng sẽ ưu tiên thi công sửa chữa trước để đảm bảo cho bà con đi lại thuận lợi trong dịp trước, trong, sau Tết.
Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tranh thủ nắng ráo, huyện đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công việc, tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện sửa chữa các công trình giao thông. Hậu quả của đợt mưa lũ năm 2020 rất nặng nề, cộng thêm dịch Covid-19 khiến việc khắc phục các công trình giao thông tại vùng núi tỉnh Quảng Nam chậm trễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Nhân chuyến công tác miền Trung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã thăm, tặng quà, chúc Tết người dân xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) trước Tết Nguyên đán |
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Phước Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng, những ngày này, Mặt trận Tổ quốc huyện và các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các hoạt động để hỗ trợ, đảm bảo một cái tết no ấm, bình an hơn cho người dân. Trong đó, sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hảo tâm xuyên suốt năm qua đã tạo nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân thêm động lực vượt qua khó khăn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo tinh thần chung của tỉnh Quảng Nam, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều hoạt động văn hóa trong ngày Tết được cắt giảm để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Chủ tịch xã Phước Kim Hồ Văn Tròn cho biết, dù rất chú trọng văn hóa truyền thống, nhưng đồng bào nơi đây luôn chấp hành quy định của Nhà nước, trong đó có quy định phòng, chống dịch. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người dân cũng như phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng với danh họ Hồ mà người B’hnoong đang mang bên mình.
Người B'hnoong tại huyện miền núi Phước Sơn, đã lấy họ Hồ của Bác Hồ để làm họ cho bao thế hệ. Ảnh: N.LỘC |
Tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người B'hnoong tại huyện miền núi Phước Sơn, đã lấy họ Hồ của Bác Hồ để làm họ cho mình. Theo già làng Hồ Văn Nhun – một trong hai người mang họ Hồ đầu tiên ở Phước Sơn, trước kia, người B’hnoong không có họ, mà chỉ có quy ước nếu là con trai thì gọi thêm chữ đầu là “A”, còn con gái thì gọi thêm chữ đầu là “Y”. Từ ngày đi theo cách mạng, biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, người B’hnoong tại Quảng Nam đã lấy họ Hồ để làm họ cho bao thế hệ người B’hnoong nơi đây. Đối với đồng bào B’hnoong, được mang họ của Bác Hồ là một niềm tự hào và là tài sản tinh thần quý báu của cả cộng đồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. |