
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2025 có nhiều “điểm sáng” trong bức tranh DN. Cụ thể, trong 2 tháng, cả nước có hơn 49.800 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 24.900 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điểm sáng đáng chú ý nữa là số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng trưởng rất tích cực, với tổng số vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm là 709.400 tỷ đồng, tăng 66,1% so với cùng kỳ năm 2024. Quy mô vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 2 tháng đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh tín hiệu tích cực từ số lượng DN thành lập mới và quay trở lại thị trường, ở chiều ngược lại, số lượng DN rút lui khỏi thị trường cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, cả nước có 67.030 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 33.500 DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập thị trường, trong đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 3.800 DN, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2024 và là mức cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025.
Một chỉ số khác cũng cần lưu tâm trong bức tranh DN là số lượng lao động đăng ký sụt giảm. Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng số lao động đăng ký của DN thành lập mới là gần 140.700 người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 có 154.300 người, tăng 29,0%).
Nhìn vào bức tranh DN trong 2 tháng đầu năm, theo đánh giá của các chuyên gia, mặt tích cực có thể thấy là số lượng DN gia nhập thị trường tăng thể hiện tinh thần khởi nghiệp của người dân và DN gia tăng trước niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Cùng với đó, tổng vốn đăng ký của DN tăng mạnh là tín hiệu khá tích cực cho thấy kỳ vọng của các DN khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, tín hiệu vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước cũng cho thấy sự tự tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư khi mở rộng sản xuất kinh doanh, bởi đây là những DN đã có sự trải nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, vấn đề còn quan ngại đó là số lượng DN rút lui khỏi thị trường vẫn cao hơn so với số lượng DN gia nhập thị trường, điều này cho thấy cộng đồng DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để giúp DN duy trì sự phục hồi và phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số DN rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp phát triển
Theo các chuyên gia, năm 2025, Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung sức của các thành phần trong nền kinh tế, trong đó lực lượng DN đóng vai trò chủ công. Bởi vậy, việc tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch đang là yêu cầu cấp thiết để kích thích các DN khởi sự kinh doanh, cũng như giúp các DN đang hoạt động hứng khởi đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô đầu tư.
Thực hiện đòi hỏi này, theo GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, DN, với mục tiêu rất cụ thể là trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến DN phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch. “Các Bộ, ngành, địa phương cần đặt quyết tâm chính trị cao, thực hiện bằng được yêu cầu Chính phủ đề ra, như vậy cộng đồng DN sẽ có một “bệ đỡ” để phát triển bền vững” - ông Cường nhấn mạnh; đồng thời khuyến nghị thêm, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền thuê đất cho DN, đặc biệt là cần xem xét nâng mức giảm tiền thuê đất trong bối cảnh chi phí về đất đai đang tăng cao.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - đề xuất, để các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có nhiều không gian phát triển, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia như các dự án phát triển đường sắt, đường bộ cao tốc, xây dựng cảng hàng không… Mặt khác, để hỗ trợ các DN Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài tại thị trường nội địa, Chính phủ nên xem xét, ban hành các chính sách ưu đãi cho DN đầu tư nước ngoài dựa trên tỷ lệ nội địa hóa, với tỷ lệ nội địa hóa cần áp dụng tối thiểu là 30%.
Cùng với trợ lực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, bất định, bản thân DN cũng cần chủ động theo dõi sát các diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, từ đó chủ động, linh hoạt trong việc nắm bắt các cơ hội cũng như đề ra các giải pháp hiệu quả để vượt qua khó khăn, thách thức, để có thể trụ vững tại thị trường nội địa, cũng như duy trì, phát triển được các thị trường xuất khẩu và “chen chân” sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu./.