Giá trị cốt lõi của KTNN:Hướng tới minh bạch - chất lượng - hiệu quả - gia tăng giá trị

(BKTO)- LTS:Nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày thành lập KTNN (11/7/1994 – 11/7/2016), Tổng Kiểmtoán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn một số cơ quan thông tấn báo chívề trọng trách của người đứng đầu; vai trò, vị trí, định hướng của cơ quan KTNNtrong giai đoạn mới. Báo Kiểm toán xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



- Thưa ông, được biết ông đã từng kinh qua nhiều chức vụ, từ vị trí Kế toán viên của một đơn vị, tiến tới tham gia lãnh đạo chính quyền địa phương, tiếp đến là Bí thư Tỉnh ủy và vừa được Đảng, Quốc hội tin tưởng giao phó vai trò Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình sau gần 3 tháng đảm đương vị trí người đứng đầu cơ quan KTNN?


Tổng Kiểm Toán
Nhà nước Hồ Đức Phớc

+ Điều 118 Hiến pháp 2013 quy định địa vị pháp lý của KTNN “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Cùng với đó, Luật KTNN 2015 là nền tảng hết sức quan trọng để KTNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Dựa trên những quy định này, có thể nói nghề kiểm toán thuộc chuyên ngành hẹp, đòi hỏi chuyên môn cao, hàm lượng khoa học lớn, quy trình chặt chẽ, kỷ luật nghiêm nhưng đối tượng rộng. Vì vậy, trách nhiệm của người đứng đầu KTNN hết sức lớn lao, nặng nề. Với chuyên ngành đào tạo đại học tài chính chính quy cùng những kinh nghiệm tích lũy trong suốt quá trình công tác, kinh qua nhiều vị trí khác nhau, tôi đã có những hiểu biết nhất định về nghề. Hơn nữa, xuất phát từ lòng yêu nghề kết hợp với việc quán triệt tinh thần “Học, học nữa, học mãi” đúng như lời dạy của Lê-nin, tôi đang cố gắng tiếp tục học tập, rèn luyện để củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán và sẽ nỗ lực hết mình để lãnh đạo cơ quan KTNN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó.

- Dân gian có câu “Tân quan tân chính sách”, trong vai trò người đứng đầu cơ quan KTNN, ông có thể chia sẻ định hướng điều hành hoạt động của KTNN thời gian tới, thưa ông?

+ KTNN là công cụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo điều hành, quản lý sử dụng nguồn lực công một cách hiệu quả nhất. Trách nhiệm KTNN không chỉ là qua kiểm toán xử lý tài chính được bao nhiêu tiền mà quan trọng là kiến nghị thay đổi chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra để sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn.

Tôi mong muốn ngành kiểm toán sẽ lớn mạnh cả về lượng và chất, thực sự là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại. Đối tượng của KTNN theo quy định mới không chỉ là quản lý sử dụng Ngân sách, tài sản Nhà nước mà còn bao gồm cả các quỹ ngoài Ngân sách, nợ công, tái cơ cấu DNNN, Công ty cổ phần có vốn Nhà nước, công trình BOT, BT, lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin... Về loại hình, ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán hoạt động và kiểm toán tổng hợp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Để đạt được điều đó KTNN đang thực hiện các nội dung kế hoạch cơ bản như: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phát triển hệ thống bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, chuyên nghiệp; tăng cường năng lực KTNN trong việc áp dụng chuẩn mực Quốc tế, xây dựng kế hoạch kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán; tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.

- Nhân kỷ niệm 22 năm thành lập KTNN, ông muốn nhắn gửi thông điệp gì đến với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động KTNN, thưa ông?

+ Đối với ngành KTNN, chúng ta phải xác định con người là trung tâm, giá trị cốt lõi mà KTNN hướng tới là Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Không ngừng gia tăng giá trị. Giá trị cốt lõi của cán bộ kiểm toán hướng tới là Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng. Khác với đặc thù của các ngành khác: các ngành kinh tế - kỹ thuật thì người ta quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính, quản lý tài sản làm trung tâm, nhưng đối với KTNN chúng ta thì chủ yếu là con người; thành bại, hiệu quả hay không thì cốt ở con người. Cho nên cán bộ của KTNN trước hết phải ngay ngắn, sạch sẽ, trung thực, công bằng và có tác phong chuẩn mực, khiêm tốn. Như vậy thì mới được xã hội tôn trọng, được các cơ quan được kiểm toán yêu quý và trân trọng.

Phải có cách nhìn toàn diện, làm thế nào để kết hợp 3 yếu tố hài hòa giữa chính trị - luật pháp - nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chúng ta, đây cũng là một phẩm chất hết sức quan trọng của cán bộ KTNN. Ngoài ra, cán bộ KTNN cũng phải có bản lĩnh, không ngại khổ, ngại khó, không sợ bị đe dọa, muốn vậy thì phải có bản lĩnh, kể cả bản lĩnh “từ chối” bởi vì chúng ta thường bị cám dỗ về vật chất để có được kết quả hết sức trung thực, khách quan, công bằng. Đặc biệt, quan trọng hơn nữa là phải có năng lực trí tuệ, năng lực thực tiễn, điều này đòi hỏi người cán bộ KTNN luôn luôn phải học tập, trau dồi và sáng tạo, đổi mới, tích lũy được kinh nghiệm tốt, kiến thức tốt phục vụ cho công tác kiểm toán.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải có các tố chất khác hơn so với các ngành khác vì chúng ta phải bảo vệ thông tin, giữ bí mật thông tin cho nên phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện các quy trình, quy phạm, quy định và không tiết lộ thông tin dưới mọi hình thức.

Nhân kỷ niệm 22 năm ngày thành lập KTNN, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN! Tôi mong rằng, chúng ta sẽ chung sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực tài chính công, tài sản công và phát triển kinh tế của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

BÁO KIỂM TOÁN
Cùng chuyên mục
Giá trị cốt lõi của KTNN:Hướng tới minh bạch - chất lượng - hiệu quả - gia tăng giá trị