
Giải ngân tăng tốc, nhưng tỷ lệ vẫn thấp so với kỳ vọng
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 3/2025, cả nước giải ngân vốn đầu tư công được trên 80.306,8 tỷ đồng, đạt 8,95% kế hoạch (897.613,3 tỷ đồng); đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 2.986,6 tỷ đồng (đạt 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Kết thúc tháng 4/2025, cả nước ước giải ngân được 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch; đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 4.707,3 tỷ đồng (đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Như vậy, so với tỷ lệ giải ngân trong 3 tháng đầu năm (tháng 1 đạt 1,26%; tháng 02 đạt 5,43%, tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tiến độ giải ngân trong tháng 4 đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm trước.
Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện
Đặc biệt, trong 4 tháng qua, 10 bộ, ngành và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp phụ nữ (20,66%) và các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).
Tuy nhiên, cũng trong 4 tháng qua, còn 9 bộ, ngành và địa phương chưa giải ngân như: Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao…; 15 bộ, ngành giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh… và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị….
5 nút thắt cần tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân
Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu có sự bứt phá nhưng theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hướng đến tiến độ thực hiện, tập trung vào 5 nhóm lớn, đó là: khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách; liên quan đến phân bổ vốn; trong tổ chức thực hiện; khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương và các khó khăn liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với khó khăn liên quan đến phân bổ vốn, Bộ Tài chính cho biết, nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện; chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch, dẫn đến chưa hoàn thành phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo thời hạn quy định.
Những vướng mắc này đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2025 (tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 27.861,8 tỷ đồng, chiếm 3,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và một lượng vốn không có nhu cầu sử dụng đề nghị trả vốn hoặc điều chuyển cho các dự án khác có nhu cầu.
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược…
Bên cạnh đó, công tác giải ngân còn khó khăn trong tổ chức thực hiện có liên quan tới quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy. Để phù hợp với cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án.
Ngoài ra, việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng, công tác thanh toán, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án của trung ương và địa phương do các đơn vị cấp huyện là tổ chức chủ chốt triển khai công tác giải phóng mặt bằng…
Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện như: về thể chế (nêu rõ vướng mắc tại điểm, khoản, Điều của Luật, Nghị định, Thông tư…) về xác định rõ khâu vướng mắc trong tổ chức thực hiện (đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán…) và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng, phối hợp với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công thực hiện dự án; đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến hết thời hạn thanh toán theo quy định.../.