Giải ngân vốn đầu tư công ở Tiền Giang: Động lực từ một Nghị quyết

(BKTO) - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tỉnh đang phấn đấu sẽ đạt 100% kế hoạch giải ngân trong năm nay.




Tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đang dần định hình. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Dù chịu ảnh hưởng của hạn, mặn và dịch COVID-19 nhưng đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến nay đã đạt kết quả khả quan.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tỉnh đang phấn đấu sẽ đạt 100% kế hoạch giải ngân trong năm nay.

Để đạt được những kết quả này, các cấp, ngành của tỉnh đã đồng loạt triển khai các giải pháp phù hợp từng thời điểm, từng địa bàn.

Một nghị quyết được cho là rất linh hoạt trong thực hiện xây dựng cơ bản và cũng là động lực thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay được triển khai thuận lợi, đạt yêu cầu là Nghị quyết số 34/NQ-HDND ngày 6/12//2019 về Kế hoạch đầu tư công năm 2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh cho phép Ủy ban Nhân dân tỉnh được quyền điều chuyển vốn xây dựng cơ bản.

Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 của tỉnh là 5.268,4 tỷ đồng, tăng 36,9% so với thực hiện năm 2019 và chiếm 27,1% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải ngân gần 3.400 tỷ đồng, đạt trên 75% kế hoạch, mức khá cao so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tiền Giang nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước; ước tổng giá trị khối lượng đến hết tháng 11/2020 đạt 100% kế hoạch.

Kết quả tích cực trên nhờ các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh sớm hoàn tất khâu chuẩn bị thực hiện đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu; tập trung cao giải phóng mặt bằng; điều chuyển mạnh kế hoạch vốn năm 2020.

Tỉnh cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công trình, dự án…

Đối với các dự án Trung ương đầu tư, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo sát sao và tăng cường phối hợp với nhà đầu tư, các Ban Quản lý dự án trực thuộc Trung ương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Cụ thể, đối với dự án đường cao tốc đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận, tổng khối lượng thi công đến nay đạt gần 4.250 tỷ đồng, đạt 66,5% khối lượng của các gói thầu đã triển khai, đạt khoảng 69,1% khối lượng và đạt khoảng 52% so với tiến độ toàn dự án; phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Tại buổi khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng vào mới đây, theo ghi nhận, các gói thầu đang tập trung thi công hoàn thiện hệ thống cầu với mỗi gói thầu có hơn 100 cán bộ, kỹ sư, người lao động khẩn trương tham gia thi công.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, với tiến độ thi công hiện nay, nhiều khả năng vào dịp Tết Nguyên đán, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ sẵn sàng chia sẻ một phần lưu lượng xe trên Quốc lộ 1, giúp giảm ùn tắc. Đối với dự án Quốc lộ 50, dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành.

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sẽ thi công trong giai đoạn 2020-2025 sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1 rà soát, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật.

Dự án 4 cầu trên Quốc lộ 1 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thông xe kỹ thuật cầu Rượu, cầu Sao. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công hạng mục đường dẫn vào cầu.

Bên cạnh đó, các dự án do tỉnh Tiền Giang đầu tư đã và đang khẩn trương thi công để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trong năm 2020, tỉnh đầu tư 19 dự án; trong đó, có 12 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 sang và 7 dự án khởi công mới trong năm 2020 với kế hoạch vốn năm 2020 là 468,6 tỷ đồng.

Một số dự án, công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh hiện cũng được đảm bảo về tiến độ thi công như dự án mở rộng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1 với kinh phí 105 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng.

Tại huyện Gò Công Đông, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện Gò Công Đông Đoàn Minh Thảo cho biết năm 2020, huyện Gò Công Đông đã triển khai 85 dự án, công trình được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công, gồm 55 công trình chuyển tiếp và 30 công trình khởi công mới với tổng nguồn vốn được giao trên 257 tỷ đồng. Đến nay, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của huyện đạt 100%.

Kinh nghiệm của huyện để đẩy nhanh xây dựng cơ bản trước hết phải chuẩn bị từ khâu hồ sơ đầu tư, đấu thầu đến khâu giải phóng mặt bằng.

Trong giai đoạn thi công, huyện tập trung khâu kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để đảm bảo tiến độ.

Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông là địa phương đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn từ một số công trình thừa vốn sang các công trình có nhu cầu để thanh toán các khối lượng hiện hành, đảm bảo đến ngày 30/11 địa phương sẽ giải ngân hết 100% vốn.
Kiên cố hóa đoạn đê xung yếu Tân Điền (Gò Công Đông). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Tại huyện Cái Bè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Văn Ý cho biết đến thời điểm này, địa phương đã giải ngân được 90% tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản tỉnh giao và nguồn vốn của huyện.

Để đạt được kết quả này, Ủy ban Nhân dân huyện thường xuyên làm việc với Kho bạc Nhà nước và được sự hỗ trợ của Kho bạc Nhà nước về kết quả giải ngân của từng dự án theo từng tháng.

Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh Tiền Giang là hơn 5.715 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2019, nguồn vốn tăng thu, kết dư và huy động khác hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là năm nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh cao nhất.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết để tháng 11/2020 giải ngân 100% vốn đầu tư công, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khẩn trương tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trong kế hoạch. Đồng thời, có kế hoạch giải ngân cho từng dự án; nhà thầu thi công cam kết tiến độ giải ngân đối với từng dự án. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, tỉnh sẽ xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án./.
Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Giải ngân vốn đầu tư công ở Tiền Giang: Động lực từ một Nghị quyết