Tuy nhiên, những vướng mắc ở các khâu giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện… vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả giải ngân những tháng đầu năm 2024 chưa được như mong đợi. Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ diễn ra trong năm nay, mà hiện diện trong cả quá trình thực hiện ĐTC giai đoạn 2021-2025. Để khắc phục những điểm nghẽn này, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng hiến kế, đề xuất giải pháp sửa đổi một số cơ chế, chính sách còn bất cập tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN)… Việc sửa đổi các Luật này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các “nút thắt” cố hữu và hiện hữu để việc giải ngân vốn ĐTC luôn đảm bảo tiến độ.
Bài 1: Giải ngân vốn đầu tư công vẫn “ì ạch”
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến hết quý III/2024, giá trị giải ngân vốn ĐTC của cả nước chưa đạt 1 nửa kế hoạch vốn giao trong năm 2024. Trong khi đó, chỉ còn 3 tháng nữa để thực hiện giải ngân hơn 50% kế hoạch vốn còn lại và để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao là nhiệm vụ nặng nề…
Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa đạt kế hoạch giải ngân
Tại đầu tàu kinh tế lớn của cả nước - TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC rất thấp, 9 tháng chỉ đạt khoảng 15.802 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch vốn được giao, trong khi kế hoạch đặt ra hết quý III/2024 là hơn 70%. Thừa nhận thực tế giải ngân ĐTC của Thành phố quá thấp, quá chậm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sự chậm trễ trong giải ngân ĐTC là một trong những tồn tại lớn của Thành phố. Bởi ngay từ đầu năm, Thành phố đã đặt mục tiêu giải ngân 95% tổng vốn phân bổ (khoảng 79.200 tỷ đồng), cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng. Theo đó, quý I phải giải ngân đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý II phải đạt từ 30% trở lên và quý III phải đạt hơn 70% thì mới đảm bảo quý IV đạt hơn 95%.
Không chỉ riêng tại địa phương, trong danh sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa công khai các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao và tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 8 tháng năm 2024, Bộ đã chỉ ra nhiều Bộ, cơ quan Trung ương cũng đạt tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC rất thấp.
Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, dự kiến hết đến ngày 30/9/2024, cả nước mới giải ngân được gần 320.567 tỷ đồng, đạt 42,96% kế hoạch năm, đạt 47,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả này, Bộ Tài chính đánh giá đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tất nhiên, trên thực tế, đóng góp vào con số giải ngân trung bình của cả nước nêu trên, nhiều Bộ, cơ quan Trung ương đã đạt tỷ lệ giải ngân cao. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - cho biết, có 15/44 Bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân ước đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tiêu biểu phải kể đến: Đài Truyền hình Việt Nam (đạt 100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (63,12%), Long An (71,5%), Hòa Bình (68,4%), … Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng có tỷ lệ giải ngân cao, đạt 80,16% kế hoạch. Trong đó, vốn Chương trình phục hồi của Bộ, cơ quan Trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng đạt 99,58%, riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân 100%.
Trong khi đó, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) chia sẻ, có 29/44 Bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cá biệt, có một số Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ); hoặc giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (6,76%)...
Đặt mục tiêu rất kỹ nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng
Về phía các địa phương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, có 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn mức bình quân chung, như: Phú Yên (đạt 22,38%), Bắc Ninh (24,48%), Kon Tum (25,62%), Kiên Giang (26,93%). Đáng chú ý, một số địa phương đã được giao vốn kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Trong đó, dù rằng TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu giải ngân rất kỹ cho từng tháng, từng quý và có cam kết của từng chủ đầu tư, nhưng tại 4 Ban nắm lượng vốn lớn của Thành phố gồm: Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các hạ tầng đô thị, Ban Quản lý đường sắt đô thị đến nay mới chỉ giải ngân được khoảng 10%, trong khi các địa phương giải ngân khoảng 34%.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông cam kết giải ngân tháng 8 là 590 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 86 tỷ đồng; Ban Quản lý đầu tư xây dựng các hạ tầng đô thị cam kết 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 31,4 tỷ đồng; Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết 153 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng; Ban Quản lý đường sắt đô thị cam kết 119 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 32 tỷ đồng…
Ngoài TP. Hồ Chí Minh với kết quả nêu trên, còn có TP. Hà Nội - địa phương đã được giao vốn đầu tư 81.033 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân 38,88%. Theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương có vốn kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Tình trạng giải ngân vốn ĐTC chậm trễ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, việc triển khai thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao. Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về ĐTC thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết của phiên họp. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị, 4 Công điện và rất nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT đã có 3 Công điện, 9 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; đường cao tốc, đường liên vùng, đường ven biển; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ĐTC; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân... Thậm chí, Bộ KHĐT đã tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024; cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án; xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương… để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC.
Về phía Bộ Tài chính, trong những tháng qua, một mặt đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác đề nghị Bộ KHĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh; phối hợp với Bộ KHĐT có thông báo và hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024…
Những chỉ đạo sát sao, quyết liệt đã mang lại nhiều chuyển biến, nhưng kết quả giải ngân đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu, kính mời Quý độc giả theo dõi ở những bài viết tiếp theo./.
Bài 2: Giải ngân vốn ĐTC giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều vướng mắc