Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán- PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất và khoáng sản Lại Hồng Thanh; đại diện Thanh tra Chính phủ; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Quảng Ninh, Kiên Giang, Quảng Bình; đại diện Tập đoàn Điện lực Tập đoàn Than khoáng sản, Tổng Công ty Thép Việt Nam; các chuyên gia đến từ viện nghiên cứu, các trường đại học, học viện…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, KTNN tổ chức Hội thảo này nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện việc quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát, lãng phí. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý; Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản cũng như kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; những nguy cơ và lỗ hổng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường ở các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phát biểu tại Hội thảo -Ảnh: THANH TÙNG |
Nhận định về công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường còn nhiều thách thức, PGS,TS. Lê Huy Trọng- Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V cho rằng, công tác quản lý còn hạn chế, gây thất thoát tài nguyên, dẫn đến việc khai thác cát trái phép, mỏ hết thời gian sử dụng; thu NSNN từ khai thác khoáng sản không tương xứng với mức độ khai thác; mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chỉ đứng thứ 45/89 quốc gia được đánh giá năm 2017; chính sách chưa thực sự phù hợp và hỗ trợ cho công tác quản lý; năng lực giám sát còn hạn chế; thiếu sự liên kết, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý có liên quan do các nguồn thông tin trong ngành khai khoáng luôn trong tình trạng “bảo mật”...
Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, có 5 thách thức về môi trường mà Việt Nam phải giải quyết. Đó là: chưa có chiến lược thu hút đầu tư, phát triển hợp lý vào lĩnh vực môi trường; việc chuyển biến trong hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế; chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm chưa hoàn thiện; việc phân công nhiệm vụ quản lý chưa hợp lý; công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường còn thiếu.
PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh- Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện còn nhiều vấn đề đang đặt ra với công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực này. Các nguồn tài nguyên vẫn chưa được điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị một cách đầy đủ; quy hoạch khai thác, sử dụng còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi; sử dụng tài nguyên còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, dẫn tới lãng phí, kém hiệu quả, trong khi các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính còn chưa đồng bộ, chưa phát huy được vai trò thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên. Về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu quy định cũng như các cơ chế hiệu quả để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp, đồng bộ; hiệu quả công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường chưa đáp ứng nhu cầu trong khi việc phân định quản lý đa dạng sinh học còn chồng chéo, chưa rõ ràng…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu kết luận Hội thảo- Ảnh: THANH TÙNG |
Theo đó, KTNN cần đổi mới hoạt động kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường mà trọng tâm là đổi mới công tác kế hoạch kiểm toán, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán. KTNN cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức kiểm toán chuyên đề, phù hợp với đặc điểm của vấn đề và tăng cường việc áp dụng các công nghệ kiểm toán mới, vận dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp với đặc thù của kiểm toán chuyên đề theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, KTNN cần nghiên cứu để mở rộng phạm vi, nội dung kiểm toán thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề chuyên sâu có quy mô lớn để có góc nhìn toàn diện, đa chiều nhằm ngăn chặn kịp thời các sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường để từ đó có các kiến nghị xác đáng với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả và kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường. KTNN cần tiếp tục nghiên cứu và sớm ban hành cẩm nang, hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực, như: kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng lực lượng kiểm toán viên nòng cốt, tinh nhuệ, có trình độ để thực hiện nhiệm vụ được giao.
KTNN cũng cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ, cập nhật kinh nghiệm với các cơ quan kiểm toán tối cao của các nước cũng như các Bộ, ngành địa phương trong quá trình kiểm toán nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán chuyên đề liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường..
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để xây dựng các giải pháp hữu hiệu trong kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.