Giải pháp nào hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?

(BKTO) - Trong khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn thấp thì tỷ lệ người rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng là một thách thức trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc xây dựng chính sách để giải quyết vấn đề rút BHXH một lần là một trong những yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Luật BHXH sắp tới.

bhmotlan-1679042777675343640201.jpg
Cần có các chính sách hỗ trợ để hạn chế người lao động rút BHXH một lần. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Làn sóng rút BHXH một lần gia tăng

Cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng rút BHXH một lần là vấn đề được nhắc đến nhiều lần trong các báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội thời gian gần đây.

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề rút BHXH một lần. Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh - phản ánh, “làn sóng” rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH.

“Công nhân xem BHXH là của để dành, nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống” - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân khoảng 500.000 người/năm; năm 2022 số người rút BHXH một lần là hơn 900.000 người.

Số người rút BHXH gần bằng với số vào. Đây là nguy cơ. Nếu tình trạng này không được hạn chế thì nguy cơ người già khi về hưu sẽ khó đảm bảo an sinh xã hội và hệ thống chính sách an sinh xã hội của chúng ta khó đảm đương được tính bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, do đời sống, thu nhập của người lao động ở mức thấp, khó khăn. Đối tượng rút chủ yếu là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi cho người đóng. Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất.

Cần đồng bộ, song hành nhiều giải pháp

Trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật BHXH (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tìm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số diễn ra mới đây, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc kiêm Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đánh giá, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển chính sách BHXH.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp, chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá lớn với mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ 60% (đến năm 2030) mà Việt Nam đề ra ở Nghị quyết 28-NQ/TW, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, Việt Nam cần quan tâm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Ông Andre Gama - Giám đốc Chương trình An sinh quốc gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì cho rằng, trên thế giới không có nước nào cho phép rút BHXH một lần như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần. Nhà nước cần ưu tiên chính sách nhằm giảm số người lao động rời hệ thống BHXH.

Theo ông Andre Gama, việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần cần có độ giảm từ từ về tỷ lệ được rút. Đồng thời, Việt Nam cần lưu ý chính sách hỗ trợ người lao động được vay vốn lúc khó khăn để làm ăn, kinh doanh, có chế độ hỗ trợ cho trẻ em, tạo việc làm... để thay vì rút BHXH một lần, người lao động có thể vay vốn ở một nơi nào đó.

Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH 1 lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Tác giả trích dẫn

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần thực hiện song hành và đồng bộ nhiều giải pháp.

"Hiện chúng ta đã có Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, việc tìm kiếm, hỗ trợ quay lại thị trường lao động là rất quan trọng đối với người lao động mất việc làm. Nếu có lại việc làm ngay, người lao động sẽ tiếp tục công việc và tham gia BHXH mà không nhận BHXH một lần" - ông Trần Đình Liệu phân tích.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đồng tình với việc nên có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn vay tiền để tiếp tục làm việc, tuy nhiên, nên khống chế mức cho vay cho phù hợp.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai chỉ ra, một bất cập hiện nay là việc học nghề lại không phục vụ cho việc người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, với việc mở rộng quyền lợi cho người lao động khi tăng mức hưởng cho nhóm trợ cấp thất nghiệp như hiện nay, nhiều người lao động không chịu đi làm mà cứ trông chờ hưởng thất nghiệp rồi sau đó hưởng BHXH một lần.

Vì vậy, ông Thành đề xuất chỉ nên cho phép hưởng 6 tháng đầu, sau đó giảm còn 50% để thúc đẩy người lao động đi làm.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy đề xuất, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nên quy định 2 phương án rút BHXH một lần. Thứ nhất, những người lao động đã đóng BHXH rồi và đang làm việc thì được rút BHXH một lần.

Những người tham gia mới BHXH, kể từ khi Dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH một lần hoặc chỉ được rút phần người lao động đóng; 50% còn lại hoặc phần người sử dụng lao động đóng phải để lại làm hành trang cho người lao động khi về già.

Cùng chuyên mục
Giải pháp nào hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?