Giải pháp vượt thách thức cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

(BKTO) - Theo các chuyên gia, việc tạo lập khung chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng thông qua cơ chế thử nghiệm chính là một yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay để vượt qua thách thức cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

dcs.png
Cần phải có chính sách phát triển các ngành cụ thể gắn với tư duy kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Tăng mức độ tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế

Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã và đang quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhất là khi đã trải qua đại dịch Covid-19 vào các năm 2020-2022, các quốc gia đã nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh và tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng.

Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng. Bối cảnh hợp tác quốc tế sâu rộng càng thúc đẩy gia tăng nhu cầu phát triển bền vững, cũng như cần thiết phải có các chính sách công nghiệp nói chung và chính sách phát triển các ngành cụ thể gắn với tư duy kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể tới các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số khiến cho việc thiết kế, kết nối các công đoạn, hoạt động liên kết trong nhiều mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn trở nên khả thi hơn, hiệu quả hơn. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia trong nước đã rút ra được một số bài học quý.

Thứ nhất, quyết tâm và tư duy mở hướng mạnh mẽ tới khía cạnh “kinh tế” trong kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan trọng, từ đó, mới có cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn tổng thể nhất, trên bình diện quốc gia, với một hệ thống khung khổ chính sách, pháp lý và tiêu chí hoàn chỉnh.

Thứ hai, phát triển kinh tế tuần hoàn không thực hiện đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà cần có những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm có thể triển khai sớm, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhanh và rõ ràng.

Thứ ba, trong các nền kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể mang lại nhiều cơ hội theo đuổi đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn.

Thứ tư, hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng, nhằm tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cả kinh nghiệm thành công của các nước trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.

Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Từng bước chủ động ứng phó với thách thức

Nhận thấy rõ các thách thức trên cần được xử lý, Việt Nam đã ban hành các văn bản quan trọng, như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030...

Tuy các văn bản trên đã có một số quy định về kinh tế tuần hoàn, song lại chưa thể hiện rõ khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn, như khả năng tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, liên kết ngành và doanh nghiệp, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, dù đã đề ra các nhiệm vụ hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng các nhiệm vụ này có các khung thời gian khác nhau trong trung hạn và dài hạn, chưa tạo đủ điều kiện để sớm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn mới.

kt.jpg
Cần tạo điều kiện để sớm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn mới. Ảnh minh họa: ST

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tư duy hướng tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời nêu rõ quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”.

Do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song không đủ. Bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế còn chậm của đất nước nói chung và các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng) nói riêng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy phát triển xanh.

Hơn nữa, việc sớm hình thành cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, như chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp... mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi với các đối tác song phương và đa phương, góp phần hiện thực hóa thông điệp “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28.

Chưa hết, việc xây dựng cơ chế, chính sách còn giúp huy động nguồn lực từ nhân dân, để mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng là một mục tiêu hướng tới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Phiên đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 25/9/2024.

Sớm tạo dựng khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi

Theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, việc ban hành những quy định ở cấp độ thử nghiệm nhằm khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư cụ thể hóa sáng kiến, dự án kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực được lựa chọn. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư minh chứng lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo lan tỏa cho quá trình chuyển đổi xanh và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị định cũng tạo cơ sở mở rộng phạm vi triển khai hoạt động kinh tế tuần hoàn trên thực tế, từ đó thiết lập các cơ sở thông tin, điển hình, thực tiễn tốt để làm căn cứ đề xuất khung pháp lý chính thức, phổ quát cho kinh tế tuần hoàn trong dài hạn.

Đồng thời, cụ thể hóa định hướng phân công nhiệm vụ chủ trì, điều phối, phối hợp cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và thực thi các giải pháp chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ quan điểm xây dựng Nghị định, đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc chủ động thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ sớm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết vùng và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tất nhiên, việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cần bảo đảm khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước, và tập trung ở các ngành, lĩnh vực cụ thể, thu hút sự quan tâm và phát huy sức sáng tạo của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian hợp lý và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, khuyến khích các mô hình kinh tế tuần hoàn có tổ hợp nhiều hoạt động đa dạng ở các ngành, lĩnh vực, địa phương khác nhau, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, bảo đảm giám sát và kiểm soát hiệu quả rủi ro./.

Cùng chuyên mục
Giải pháp vượt thách thức cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu