Các khách mời tham gia Tọa đàm. Ảnh: Chính phủ |
Mùa vụ, thương vụ, nhiệm kỳ - 3 điểm nghẽn cần tháo gỡ
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, các khách mời đều khẳng định, trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương - ông Phan Văn Chinh - cho biết: “Từ ngày 25/01 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước, đã có 15.000 xe hàng được thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay, đã mở 13/13 cửa khẩu”.
Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình trạng ùn ứ xuất hiện trở lại ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đến sáng 04/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - bà Đoàn Thu Hà - cho hay: “Từ nay đến 15/3, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn. Dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, căn nguyên của việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu là do tư duy sản xuất nông nghiệp mới chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng mà chưa có tư duy kinh tế, "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu…
“Tôi phát hiện, mấu chốt của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước” - Bộ trưởng Hoan bày tỏ.
Phải có lộ trình và kế hoạch để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch
Để giải bài toán ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đáng chú ý là giải pháp chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây cũng chính là chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Nguyễn Thanh Bình - cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần thời gian dài mới có thể làm được. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán nhưng các DN tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương hỗ trợ tích cực để DN tiếp cận được thị trường, khách hàng. Để cho DN tự vận động, tôi nghĩ rằng rất khó” - ông Bình đề nghị.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - ông Phan Văn Chinh - cũng cho rằng, vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó rất cần thời gian. Gần đây, khi Trung Quốc áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì DN gặp khó. Do đó, chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.
Thứ nhất là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật... làm thế nào để triển khai thủ tục nhanh hơn; vận tải cũng cần đa dạng hóa. Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định.
“Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản” - ông Chinh bày tỏ.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng, thực tiễn cách làm hiện nay là DN đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt thì đối tác lấy, không đạt họ trả về nên tốn kém, mất quyền chủ động giao hàng. Bởi vậy, ông Chinh đề xuất cần lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn, phân loại, đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà thừa nhận, việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ nhưng việc xây dựng lộ trình này là vấn đề cấp bách.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khuyến nghị, về lâu dài, DN cần tổ chức, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn, bài bản hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải tổ chức lại ngành hàng, từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ đã trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh quản lý, DN tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.
Đồng thời, Bộ cũng đã trình Thủ tướng chủ trương hình thành Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ và sắp tới là một Trung tâm ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như: Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… và thị trường trong nước.
Đặc biệt, cần nhận thức được rằng, không phải chúng ta "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. “Sắp tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn” - Bộ trưởng Hoan cho hay./.
HỒNG NHUNG