Giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số

(BKTO) – Khuyến nghị trên được nêu ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8 và các hội nghị liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 08/4. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại Hội nghị.



                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 8. Ảnh Bộ Tài chính

   

Tại phiên họp thứ nhất, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN đã đối thoại với các tổ chức quốc tế, gồm: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực ASEAN, các tổ chức quốc tế cho rằng, những thách thức chính sách trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng, đặc biệt là làn sóng của biến thể Omicron và tác động bất ổn chính trị ở châu Âu...

Các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị các nước cần tiếp tục ưu tiên mở rộng bao phủ vắc-xin làm nền tảng cho phục hồi kinh tế bền vững, điều chỉnh chính sách phục hồi phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia. Trong dài hạn, cần giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tiếp tục triển khai các chính sách tái cơ cấu, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng xanh.

Hội nghị ghi nhận bức tranh khả quan về phục hồi của khu vực với mức tăng trưởng 4% năm 2021 và dự kiến 5,2% trong năm 2022, khẳng định sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo sự phục hồi toàn diện, bền vững, duy trì ổn định tài chính trong khu vực.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thống nhất với những nhận định nói trên; thống nhất với các khuyến nghị chính sách của các tổ chức quốc tế như việc cần đảm bảo sự phục hồi bền vững trong dài hạn, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

Bộ trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng xanh theo các mục tiêu đã đề ra, đóng góp tích cực vào sự phục hồi chung của khu vực ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các bộ trưởng và thống đốc đã đối thoại với các cộng đồng DN ASEAN, ASEAN - Hoa Kỳ, ASEAN - EU về các vấn đề quan tâm của khu vực DN trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và quản lý nền kinh tế số.

Các bộ trưởng và thống đốc cũng nghe báo cáo và cho ý kiến về các kết quả triển khai Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN trong các lĩnh vực tự do hóa dịch vụ tài chính, phát triển thị trường vốn và các lĩnh vực hợp tác tài chính ngân hàng khác.

Trên cơ sở đồng thuận chung, các bộ trưởng và thống đốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8.
                
   

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành tài chính sẽ xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế, xây dựng hải quan số, kho bạc số, ứng dụng công nghệ
   thông tin trong quản lý các thị trường tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính.

   

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 (trong khuôn khổ Hội nghị AFMGM lần thứ 8) về tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các ủy ban công tác ASEAN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính và đề nghị các nhóm công tác tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động triển khai cơ chế Một cửa ASEAN, trao đổi dữ liệu thông tin giữa các cơ quan bảo hiểm, hải quan, thuế ASEAN.

Bộ trưởng cũng ghi nhận kiến nghị của cộng đồng DN và chia sẻ những định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính của Việt Nam, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia là một định hướng quan trọng, tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế, xây dựng hải quan số, kho bạc số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các thị trường tài chính.

Theo Bộ trưởng, Hải quan một cửa ASEAN đã vận hành tốt, tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc về việc trao đổi tờ khai hải quan, Bộ trưởng đề nghị các nước ASEAN phản hồi các lỗi kỹ thuật để hoàn thiện việc kết nối.

Bộ trưởng đề nghị thảo luận về kết nối chứng nhận cư trú để miễn giảm thuế theo hiệp định thuế trong ASEAN./.
THÙY ANH


Cùng chuyên mục
Giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số