Giảm nghèo chưa thực sự bền vững

(BKTO) - Kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018” cho thấy, chính sách còn chậm sửa đổi, manh mún, dàn trải, chồng chéo; việc phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí còn sai sót, bất cập… khiến công tác giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao.




Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: TTXVN

Hộ nghèo vùng dân tộcthiểu số chiếm tỷ lệ cao

Báo cáo kết quả giám sát Chuyên đề trên tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 10/9, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến - Trưởng Đoàn giám sát - cho biết, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN. Đến nay, đa số các xã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Hộ nghèo DTTS vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo cả nước (52,66%) và chiếm tỷ lệ 27,55% so với tổng số hộ DTTS; tỷ lệ hộ DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, cận nghèo đều cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo DTTS còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số vấn đề bức xúc của đồng bào DTTS chậm được giải quyết, như chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Kết quả giám sát cũng chỉ ra, công tác phân bổ kinh phí cho các chương trình, dự án giảm nghèo vùng DTTS, MN còn thiếu so với kế hoạch. Giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn từ ngân sách T.Ư để thực hiện một số chính sách bố trí vốn chậm, không đúng kế hoạch, thẩm định vốn kéo dài, giải ngân chậm, dồn vào thời điểm giữa năm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án của Chương trình. Cùng với đó, công tác quản lý, sử dụng kinh phí ở một số địa phương còn sai sót. Qua thực tế giám sát, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các Bộ, ngành T.Ư đã phát hiện ra những sai phạm trong thực hiện Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a), Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135) ở một số địa phương, phải xử lý thu hồi nộp NSNN 14,447 tỷ đồng. Theo báo cáo của KTNN, giai đoạn 2012-2015, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp; vốn cấp không đủ, chậm và không đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chương trình/dự án giảm nghèo khi kết thúc đều không đạt mục tiêu, phải kéo dài thời gian thực hiện. Các chương trình, dự án giảm nghèo do nhiều Bộ, ngành phụ trách, có cơ chế quản lý, vận hành khác nhau, làm hạn chế việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chung.

Cần bố trí nguồn lực đầy đủ, kịp thời

Tán thành với nhiều đánh giá trong báo cáo của Đoàn giám sát, phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, báo cáo đã cho thấy thực trạng, bức tranh tổng thể về kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững. Theo đó, việc thực hiện giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, MN những năm qua đã đạt nhiều kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành chậm và chậm sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ xây dựng, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh. Nhiều cuộc giám sát trước đã chỉ ra là chính sách thường chậm so với thực tế, chính sách thường lạc hậu so với yêu cầu cuộc sống; vẫn còn những chính sách chồng chéo, phân tán, chưa tập trung; còn tình trạng nợ chính sách.

Trong tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nguồn lực thời gian qua khá tập trung, cơ bản đều đạt dự toán nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng. Đáng chú ý, dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo. Chẳng hạn, qua kết quả kiểm toán của KTNN thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, trong xóa đói giảm nghèo, cần phân tích kỹ vấn đề xây dựng nông thôn mới. Nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ đạt ở “vỏ” còn lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân lại không đạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ ra thực tế, chương trình giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách nhưng việc ban hành văn bản rất chậm, chưa ban hành kịp, chất lượng ban hành văn bản cũng có vấn đề khi lồng ghép chính sách và phối hợp liên ngành chưa đảm bảo; nhiều chính sách manh mún, dàn trải, chưa khả thi; có chính sách hợp với vùng này nhưng không hợp với vùng khác vẫn được áp dụng chung; quy trình ban hành chính sách không khả thi, nhất là việc chưa lấy ý kiến của địa phương - nơi hưởng thụ chính sách. Bà Nga cũng đề nghị cần quan tâm hơn trong công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, bởi trong quá trình thực hiện vẫn có những sai phạm…

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết về vấn đề giảm nghèo bền vững. Sau khi Nghị quyết được ban hành, đề nghị Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực và kịp thời để thực hiện có hiệu quả, vùng nào khó khăn nhiều hơn thì tập trung đầu tư làm trước để đồng bào sớm thoát nghèo.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019
Cùng chuyên mục
Giảm nghèo chưa thực sự bền vững