Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Tạo cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc ban hành Luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội.
Việc sửa Luật cũng hướng đến hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo đó, về chính sách phát triển công nghiệp hóa chất, Dự thảo Luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn…
Thẩm tra Dự án Luật, về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật chỉ có 6 Điều quy định về phát triển công nghiệp hóa chất là chưa đầy đủ; đề nghị nghiên cứu, bổ sung phù hợp một số nội dung quy định như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thị trường, nguyên liệu, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ…trong công nghiệp hoá chất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và một số ý kiến cũng đề nghị rà soát lại quy định về đối tượng ưu đãi đặc biệt để đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư. Nếu có quy định đặc thù thì phải làm rõ tính hợp lý của quy định đặc thù về ưu đãi đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực này, đồng thời, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư. “Luật nói rằng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nhưng ở các điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật thì vẫn có những quy định riêng khác với Luật Đầu tư; dễ dẫn đến chồng chéo và sau này thực hiện sẽ vướng mắc vì không biết phải thực hiện theo quy định của luật nào” - ông Hoàng Thanh Tùng phân tích.
Tăng cường chế tài xử phạt các vi phạm về hóa chất
Tại Phiên họp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến vấn đề quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại; đồng thời, cần tăng cường kiểm soát truy xuất nguồn gốc hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu.
“Đã độc hại thì dứt khoát không nhập về vì nó ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần nâng cao nhận thức, tăng cường truyền thông về tác hại, an toàn của hóa chất đối với cộng đồng. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt đối với các vi phạm về hóa chất, áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Luật phải răn đe, xử phạt nghiêm. Một cơ sở sản xuất gây độc hại mình phạt 10 triệu, 20 triệu, 50 triệu thì không ăn thua gì, họ bán ra hàng tỷ mà phạt 50 triệu thì không thấm vào đâu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng đối với hóa chất độc hại nhưng lại được sử dụng trong chữa bệnh. Đơn cử như chất salbutamol, nếu dùng trong y tế với hàm lượng rất ít thì là thuốc chữa bệnh hen suyễn, nhưng trong chăn nuôi lại là chất tạo nạc, là chất cấm, khi ăn vào có thể gây hại cho sức khỏe.
“Vậy trong trường hợp này, khi nhập khẩu chất salbutamol thì cơ quan nào sẽ quản lý. Bởi, với y tế thì là chất có tác dụng chữa bệnh, với ngành nông nghiệp lại là chất cấm trong chăn nuôi, trách nhiệm quy định sẽ như nào, thuộc về Bộ nào?” - bà Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề.
Theo bà Hải, thực tiễn hiện nay việc vi phạm về kinh doanh hóa chất đang diễn ra phổ biến với mức độ khá nghiêm trọng, đặc biệt là việc sử dụng sai mục đích và sản xuất, chế biến thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng trên diện rộng đang là vấn đề người dân, cử tri quan tâm. Do đó, bà Hải đề nghị cần nghiên cứu phân công hợp lý trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất.
Đồng thời, cần bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định về quản lý hóa chất độc hại, giới hạn hàm lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm, hóa chất không được sử dụng trong sản phẩm và đánh giá rủi ro đối với sản phẩm chứa hóa chất; quy định doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin nguy hại về hóa chất của sản phẩm cho người sử dụng.
Quan tâm đến quy định về hóa chất phải kiểm soát đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra, Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất được nhập khẩu hóa chất có điều kiện để sử dụng xuất khẩu hoặc bán lại hóa chất sử dụng không hết cho tổ chức, doanh nghiệp có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện. Quy định này chưa bảo đảm chặt chẽ việc kiểm soát, cần phải có báo cáo với cơ quan quản lý về việc tổ chức, cá nhân bán lại hóa chất và tiền chất sử dụng không hết cho tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện khác.
Cho rằng, hiện nay còn tình trạng mua bán hóa chất dễ dàng, quản lý chưa chặt chẽ bởi việc mua bán được đặt hàng qua mạng xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng đề nghị nghiên cứu thêm quy định về quản lý hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như chất Xyanua.