Sửa đổi Luật Xây dựng nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư xây dựng. Ảnh: TTXVN
Rút gọn thủ tục hành chính
Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, liên quan đến việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng, một số ý kiến cho rằng thủ tục thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng còn phức tạp, kéo dài. Các ý kiến đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp phép; làm rõ nội dung về trách nhiệm trong hoạt động thẩm định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã phân định rõ việc thẩm định đối với từng loại dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như: đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Đồng thời, phân định nội dung, trách nhiệm cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng. Cùng với đó, việc thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở được tích hợp với việc cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng. Để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, Dự thảo Luật cũng đã quy định chủ đầu tư có thể trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng, thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về công trình cấp bách, sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp bao gồm công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm rút gọn các thủ tục trong quá trình triển khai, nhất là công trình này liên quan đến quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bão lũ…
“Siết” vấn đề quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng
Đánh giá cao tinh thần tiếp thu, sửa đổi trong Dự thảo Luật, tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích và đề nghị làm rõ thêm một số nội dung còn ý kiến khác nhau.
Liên quan đến quy định về các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, điểm b, khoản 3, Điều 25 Dự thảo Luật quy định theo hướng, khi chưa có quy hoạch phân khu trong khu vực khu chức năng thì cho phép nhà đầu tư có thể tiến hành những quy hoạch chi tiết. Ông Thanh cho rằng, quy định này nhằm cải cách thủ tục hành chính song cần cân nhắc vì có thể dẫn tới “lợi thì ít mà hại thì nhiều”. Bởi thực tế hiện nay, quy hoạch phân khu đã rất thấp, nếu quy định như vậy thì việc phủ kín quy hoạch phân khu sau này còn chậm hơn nữa. Mặt khác, trong những khu chức năng có chênh lệch về địa tô lớn, nếu chưa cần có quy hoạch phân khu chức năng đã cho làm một số khu chức năng trong phân khu có thể dẫn đến xin - cho và sẽ không thực hiện đồng bộ được quy hoạch. Chẳng hạn như cây xanh hay những gì không tạo ra giá trị địa tô thì không thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài và cơ quan chức năng cũng khó thực hiện được đồng bộ đấu nối các hệ thống kết cấu hạ tầng và thực hiện đồng bộ của hệ thống quy hoạch.
Đối với vấn đề cấp phép xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai, đồng thời hạn chế tình trạng quy hoạch “treo”.
Đánh giá cao việc Dự thảo Luật đã đưa ra danh mục đối với những công trình xây dựng đơn lẻ được miễn cấp phép, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho người dân về các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề quản lý trật tự xây dựng là vấn đề cử tri hết sức quan tâm và còn nhiều băn khoăn trước thực trạng những công trình siêu méo, siêu mỏng, quá tầng, vượt tầng... xảy ra trong thời gian qua. Vì vậy, đi kèm với việc thông thoáng trong cấp phép xây dựng thì phải thắt chặt quản lý trật tự xây dựng, để đảm bảo không cấp phép nhưng không bị lơi lỏng quản lý. “Dự thảo Luật cần cân nhắc đưa thêm vào cho chặt chẽ và có những chế tài liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, quản lý. Hiện nay chúng ta không cấp phép, nhưng sau một thời gian tổng kết thì thấy trên địa bàn đó vẫn xảy ra những vi phạm về quy hoạch thì chúng ta phải có xử lý. Tôi đề nghị chúng ta phải thắt chặt vấn đề liên quan tới quản lý trật tự xây dựng” - bà Hải nói.
Đ.KHOA