Không cần giấy chuyển tuyến nhiều lần khi điều trị bệnh nặng
Tại Phiên họp thứ 36 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và thống nhất bổ sung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Theo đó, phạm vi sửa đổi Luật tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH); tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi...
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trong lần sửa đổi này, Bộ Y tế đề xuất mở rộng quyền lợi KCB và cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà. Các đề xuất đều có đánh giá tác động chính sách, trong đó, thuận lợi hơn cho người bệnh BHYT và đề xuất trên nguyên tắc cân đối thu - chi, để đảm bảo cho người bệnh BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế.
Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất cắt giảm thủ tục chuyển tuyến điều trị. Trong đó, sẽ lựa chọn một số bệnh mà người dân cần lên tuyến trên điều trị và không nhất thiết phải có giấy chuyển viện nhiều lần, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh KCB trùng lặp 2 lần.
Sở Y tế địa phương có trách nhiệm ban hành các danh mục dịch vụ y tế mà địa phương chưa thực hiện, căn cứ trên thực tế đã thẩm định, cấp phép hành nghề, để người dân biết, chủ động lên tuyến trên khi có bệnh.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng hiện nay đối với một số bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, cần sử dụng kỹ thuật cao, cần điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên song người dân đang phải đi theo trình tự lấy giấy chuyển viện trong năm, gây tốn kém, mất thời gian.
Hay trường hợp người bệnh mắc một số bệnh mãn tính, sau khi được chẩn đoán, kê đơn ở tuyến trên, người bệnh có thể chuyển về tuyến dưới để theo dõi, điều trị và được hưởng phạm vi thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như cơ sở KCB chuyên sâu.
"Đề xuất này của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người mắc bệnh mãn tính, dù ở tuyến trên hay tuyến dưới thì người bệnh đều được hưởng phạm vi quyền lợi và thuốc tốt nhất, phù hợp với năng lực của cơ sở y tế"- bà Trần Thị Trang thông tin.
Một số bệnh sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh
Dự thảo cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký KCB ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu KCB ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này đề xuất Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở KCB chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí KCB BHYT trong phạm vi được hưởng, thay cho được hưởng 80% chi phí KCB BHYT trong phạm vi được hưởng như hiện nay (không phải BHYT sẽ chi trả 100% chi phí KCB của bệnh nhân)
Ngoài ra, một số điều trị về tật khúc xạ như lác, cận thị… hiện nay, Quỹ BHYT mới chi trả cho trẻ dưới 6 tuổi thì tại Dự thảo Luật lần này, Bộ Y tế đề xuất chi trả cho trẻ dưới 18 tuổi thay vì dưới 6 tuổi như hiện nay.
Liên quan đến việc vận chuyển người bệnh, hiện nay, Quỹ BHYT thanh toán việc chi trả vận chuyển người bệnh từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên Trung ương, trong khi việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở cùng cấp, cùng chuyên môn kỹ thuật chưa được thanh toán. Lần này, Bộ Y tế đề xuất, cứ người bệnh có chỉ định được chuyển cơ sở điều trị được BHYT thanh toán.
Một điểm mới của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả với đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý Quỹ BHYT tối đa 5% hiện nay xuống tối đa 4%, phần còn lại 1% bổ sung vào Quỹ KCB BHYT. Như vậy, tổng kinh phí được bổ sung vào Quỹ KCB BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở KCB.
Có thể thấy, việc mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT là rất có ý nghĩa trong việc tăng tính hấp dẫn của chính sách, khuyến khích người dân tham gia BHYT, đồng thời, góp phần giảm chi phí y tế từ tiền túi người bệnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quyền lợi BHYT mở rộng cần đi đôi với việc đảm bảo nguồn lực cho các chính sách này. Do đó, Bộ Y tế cần đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, có số liệu chi tiết về cân đối thu chi Quỹ BHYT đối với mỗi giải pháp chính sách, đặc biệt là đối với các chính sách về mở rộng quyền lợi, để người dân thực sự được hưởng lợi từ những quy định này.
Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam thống nhất cao với định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, hướng đến mục tiêu cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng chi phí hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ông Thao đề nghị, Bộ Y tế cần đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể, toàn diện các tác động từ những đề xuất mới trong Dự thảo Luật. Việc mở rộng phạm vi quyền lợi cần được tính toán trong mối tương quan đến Quỹ BHYT, để những đề xuất này phù hợp với thực tế, với khả năng chi trả của Quỹ BHYT, góp phần đảm bảo sự bền vững của Quỹ.