Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng

(BKTO) - Đây là tên gọi của Hội thảo diễn ra chiều 09/9, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trong và ngoài nước.



Hội thảo doMạng lưới Giáo dục (Edunet) thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global)và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhằm tạo ra một không gian học thuật để thảo luận, nghiên cứu và tham vấn chính sách về các cách tiếp cận để thích ứng với khủng hoảng trong giáo dục đại học (GDĐH).
                
   

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trong và ngoài nước.

   

Tại Hội thảo, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đóng góp, cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia để giúp GDĐH, trong đó có GDĐH Việt Nam sớm vượt qua khủng hoảng.

Các chuyên gia nhận định: Đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm vừa qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với mọi mặt trong xã hội trên khắp toàn cầu. Ngân hàng Thế giới nhận định, nền giáo dục thế giới đang trải qua cơn khủng khoảng tồi tệ nhất trong thế kỷ này, GDĐH cũng không phải là ngoại lệ.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều trường ĐH đã bị cắt giảm ngân sách; tư nhân hóa, số hóa, đại chúng hóa và quốc tế hóa GDĐH đã làm lộ rõ tình trạng mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng kinh niên và đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải bắt đầu thay đổi để tồn tại và phát triển.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo, các nhà giáo dục đang nỗ lực thực hiện cải cách hệ thống GDĐH, từ đó từng bước thúc đẩy việc xác định lại các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như nhận thức lại chất lượng và đảm bảo chất lượng trong GDĐH.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung khai thác 9 chủ đề chính: Công nghệ và số hóa GDĐH; Quản trị và Quản lý GDĐH; Đảm bảo chất lượng trong GDĐH; Giảng dạy và Học tập trong GDĐH; Chính sách GDĐH; Tính bền vững của GDĐH; Triết lý GDĐH; Đào tạo giáo viên và phát triển nghề nghiệp; Quốc tế hóa GDĐH.

Theo PGS,TS. Nguyễn Tiến Trung - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Giáo dục, đây là một cơ hội tốt để các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ và tìm kiếm những ý tưởng nghiên cứu tốt của mình, cùng gặp gỡ và có thể kết nối nhằm tạo cộng đồng nghiên cứu về khoa học giáo dục mạnh mẽ hơn, góp phần phục vụ nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đặc biệt là GDĐH.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng