Giới đầu tư hưng phấn vì kết quả bầu cử của Mỹ

(BKTO) - Phố Wall có phiên giao dịch ngày 6/1 (giờ địa phương) đầy hứng khởi được thúc đẩy bởi niềm tin đặt vào chiến thắng của đảng Dân chủ tại Georgia. Còn tại thị trường trong nước, cổ phiếu đua nhau tăng trần, VN-Index đã bứt qua ngưỡng 1.155 điểm.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Chứng khoán Mỹ khởi sắc

Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư đổ dồn vào các cổ phiếu nhóm ngành tài chính và công nghiệp, đặt cược cho cuộc càn quét của đảng Dân chủ ở Georgia sẽ dẫn đến nhiều kích thích tài chính và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Đảng Dân chủ đã thắng một cuộc đua vào Thượng viện Mỹ ở Georgia và đang dẫn đầu trong cuộc đua còn lại, tiến gần hơn đến một cuộc lật đổ bất ngờ tại thành trì trước đây của Đảng Cộng hòa, nơi sẽ cho họ quyền kiểm soát Quốc hội và sức mạnh để thúc đẩy các mục tiêu chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Chưa có kết quả chính thức, song dựa theo các dự đoán trên của các hãng truyền thông Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà sẽ đạt tỉ lệ 50-50 tại Thượng viện. Khi đó, lúc cần thiết trong các cuộc bỏ phiếu, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris có quyền bỏ lá phiếu quyết định đưa đảng Dân chủ thành đa số. Như vậy, đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Và với việc Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đảng Dân chủ sẽ có quyền kiểm soát thống nhất đối với chính phủ, nắm giữ Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện, lần đầu tiên sau một thập kỷ kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở mức thấp hơn sau khi hàng loạt người biểu tình xông vào Điện Capitol của Mỹ hôm thứ Tư, tìm cách buộc Quốc hội hủy bỏ thất bại bầu cử của Tổng thống Donald Trump trước Joe Biden.

Kết thúc phiên 6/1,chỉ số Dow Jones tăng 437,8 điểm (+1,44%), lên 30829,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,28 điểm (+0,57%), lên 3.748,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 78,17 điểm (-0,61%), xuống 12.740,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng vọt trong phiên ngày thứ Tư sau khi loại vắc-xin Covid -19 thứ hai được sự chấp thuận sử dụng bởi cơ quan quản lý.

Cụ thể, hôm 6/1, vắc-xin Covid-19 của hãng dược Moderna đã giành được sự chấp thuận của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và sau đó là Ủy ban Châu Âu (EC) để đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Đây được coi là một động lực lớn cho hy vọng đẩy lùi dịch bệnh của người Châu Âu.

Bên cạnh đó, thị trường phiên đêm qua cũng đặt cược vào kích thích tài chính lớn hơn của Mỹ với kịch bản đảng Dân chủ chiến thắng tại Thượng viện.

Kết thúc phiên 6/1,chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 229,61 điểm (+3,47%), lên 6.841,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 240,75 điểm (+1,76%), lên 13.891,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 66,00 điểm (+1,19%), lên 5.630,60 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên trái chiều trong ngày thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản giảm trong bối cảnh không chắc chắn xung quang kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ ở Georgia, trong khi tâm lý giới đầu tư cũng ảnh hưởng do có khả năng chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các cùng lân cận vào cuối tuần này.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng khi giới đầu tư kỳ vọng chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ để chống lại tác động dai dẳng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông tăng phiên sáu phiên liên tiếp nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do gặp áp lực chốt lời khi đã leo lên ngưỡng trên 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên hôm nay.

Kết thúc phiên 6/11,chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 102,69 điểm (-0,38%), xuống 27.055,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,20 điểm (+0,63%), lên 3.550,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 42,44 điểm (+0,15%), lên 27.692,30 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,36 điểm (-0,75%), xuống 2.968,21 điểm.

VN-Index vượt ngưỡng 1.155 điểm

Tiền chảy ồ ạt vào thị trường, nhà đầu tư tranh nhau gom hàng, giúp VN-Index tiếp tục bứt phá và lên trên 1.150 điểm ngay sau khi giao dịch trở lại trong phiên chiều.

Tuy nhiên, thanh khoản có dấu hiệu chạm đến "vùng giá chết” 15.000 - 16.000 tỷ đồng tại thời điểm 14h10’ và hệ thống giao dịch lại bị ách tắc khiến lệnh mua, bán lại bị ùn ứ trên đường đến HOSE, chỉ một số ít may mắn luồn qua khe cửa hẹp đã khiến đà đi lên của thị trường bị chặn lại khá nhiều cho tới khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 302 mã tăng (với 40 mã tăng trần) và 142 mã giảm, VN-Index tăng 13,28 điểm (+1,16%), lên 1.156,49 điểm.Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 763,7 triệu đơn vị, giá trị 17.022,3 tỷ đồng, giảm 3,5% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44,2 triệu đơn vị, giá trị 1.705 tỷ đồng.

Động lực cho chỉ số vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với VCB +1,9% 107.000 đồng, CTG +2,64% lên 38.850 đồng, TCB +4,22% lên 34.600 đồng, MBB +2,4% lên 25.900 đồng, HDB +4,5% lên 26.800 đồng, STB +2,5% lên 18.450 đồng, tân binh MSB +3,1% lên 20.000 đồng, trong khi VPB, TPB nhích gần 1,5%, và chỉ còn EIB -2% xuống 20.100 đồng.

Đóng góp vào đà đi lên của thị trường còn nhờ các mã lớn bứt hẳn lên như GAS +2,54% lên 92.700 đồng, MSN +4,2% lên 92.000 đồng, VRE +2,1% lên 33.900 đồng, REE +2% lên 51.000 đồng.

Đáng kể nhất là NVL, khi đã nhanh chóng tăng vọt lên mức giá trần +6,9% lên 71.300 đồng, khớp hơn 8,6 triệu đơn vị và trắng bên bán, bất chấp thông tin ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 12/1 đến 10/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Giảm điểm ngoài EIB thì chỉ còn SAB, MWG và VIC, nhưng mức giảm không đáng kể, cùng SBT, VHM, HPG đứng tham chiếu, trong đó, HPG chịu sức ép mạnh từ giao dịch bán hơn 10 triệu cổ phiếu của khối ngoại.

Thanh khoản kể trên STB dẫn đầu và cũng cao nhất HOSE khi có tới hơn 39,6 triệu đơn vị khớp lệnh. HPG theo sau khi có hơn 21,7 triệu đơn vị, MBB và POW có gần 19 triệu đơn vị. Trong khi nhóm các mã CTG, SSI, TCB có từ 10 triệu đến 13,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bứt tốc trong phiên chiều với hàng loạt mã leo lên sắc tím và đều có khối lượng dư mua giá trần lớn như LDG, HAG, PVD, HNG, FIT, TTF, IDI, ASM, AGR, TTB, HAH, VOS, VDS, HAX, BSI, QBS với LDG khớp lệnh cao nhất với hơn 19,8 triệu đơn vị.

Phần còn lại cũng đóng cửa trong sắc xanh và chỉ còn LPB, GVR, TDH, FCN, PDR, TNI, CII mất điểm, khớp từ 3 triệu đến 9,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp nảy khá dứt khoát ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng sau đó đã chững lại và gần như đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Điểm sáng vẫn thuộc về SHB, khi nới đà đi lên +7,9% lên 19.200 đồng, với thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 43,44 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hỗ trợ thêm còn có IDC +2,6% lên 39.000 đồng, PVS +5,24% lên 20.100 đồng, SHS +1,5% lên 26.700 đồng, VNR +9,8% lên 22.400 đồng, BVS +2,5% lên 24.400 đồng, MBS tăng trần +10% lên 20.900 đồng, NDN +3,4% lên 24.100 đồng, TNG +2,4% lên 17.000 đồng, TAR +3,8% lên 24.800 đồng..

Nhóm cổ phiếu nhỏ phần lớn đua nhau tăng kịch trần như ART, KLF, VIG, BII, ACM, APS, FID, LIG, WSS, VHE…

Giao dịch tiêu cực nhất là CEO, khi bất ngờ giảm mạnh về mức giá sàn -9,6% xuống 12.300 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ART và PVS trên sàn.

Đóng cửa, sàn HNX có 96 mã tăng (34 mã tăng trần) và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 4,55 điểm (+2,15%), lên 216,23 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 152,2 triệu đơn vị, giá trị 2.247,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 17,1 triệu đơn vị, giá trị 540,8 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index trồi dần từ sắc đỏ lên trên tham chiếu và liên tục tiến đến các mốc cao hơn khi đóng cửa nhờ nhiều cổ phiếu lớn xanh trở lại.

Theo đó, BSR, SBS, DRI, BVB, MSR, MIG, VGT, LTG, PFL đều tăng điểm và cũng là các mã có thanh khoản cao nhất.

Trong đó, BSR dẫn đầu với hơn 14,1 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,8% lên 10.900 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,75%), lên 75,38 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,9 triệu đơn vị, giá trị 766,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 40,78 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh,cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó, VN30F2101 tăng 2,12% lên 1.148,9 điểm với hơn 172.000 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở hơn 42.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền,giao dịch đáng chú ý nhất tại CVNL2003, khi tăng kịch trần +25% lên 2.310 đồng/cq, khớp hơn 0,85 triệu đơn vị. Trong khi đó, CVRE2009 có khối lượng khớp lệnh cao nhất với hơn 1,44 triệu đơn vị, tăng 2,3% lên 1.330 đồng/cq.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Giới đầu tư hưng phấn vì kết quả bầu cử của Mỹ