Giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên

(BKTO) - Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với khẳng định những thành tựu của việc giữ vững và tăng cường phẩm chất, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác quan trọng này.

2.jpg
Nghị quyết Đại hội XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ảnh: ST

Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII, nêu rõ tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm cá nhân chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, còn yếu trong thực hiện nguyên tắc đấu tranh tự phê bình và phê bình, giảm sút tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu, sống thực dụng, chưa gương mẫu.

Thậm chí một số cán bộ, đảng viên còn có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật. Đảng còn chỉ ra rất cụ thể những biểu hiện suy thoái mà cán bộ, đảng viên phải phòng, chống, khắc phục. Ví dụ như biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức là: Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức, viên chức nhà nước; trong đó chú trọng nhất là những cán bộ cấp chiến lược, cán bộ là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Ngày 09/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong Điều 3, quy định về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu rõ ở điểm 5 yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “Giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên”.

Theo Quy định số 144-QĐ/TW việc giữ gìn phẩm giá của cán bộ, đảng viên được thể hiện ở nhiều nội dung. Đó là, phải nêu cao danh dự cũng như lòng tự trọng, kiên quyết không cơ hội chính trị, không tham vọng quyền lực. Cán bộ, đảng viên cần giữ mình trong sạch, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ bởi tiêu cực. Việc giữ gìn, bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gắn chặt với giữ gìn, bảo vệ uy tín, danh dự tổ chức Đảng. Mà cách tốt nhất là làm gương mẫu, nói không với sai phạm, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nếu không muốn để bị kẻ địch phản tuyên truyền, thì cách tốt nhất và không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”.

Trong tình hình cách mạng mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ tiếp tục là một yêu cầu tất yếu, cần thiết, cấp bách với nhiều nội dung cụ thể mà toàn Đảng phải tiếp tục phấn đấu thực hiện. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo hết sức sâu sắc về công tác cán bộ, đòi hỏi các tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Tổng Bí thư yêu cầu phải gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm với nhiệm vụ. Tổng Bí thư nêu rõ những giải pháp tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá, bố trí, sắp xếp, luân chuyển… cán bộ bảo đảm chính xác, thực chất, phù hợp, hiệu quả. Tổng Bí thư nhấn mạnh phải sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội; đồng thời sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Thực tế công tác xây dựng Đảng thời gian qua cho thấy: Cùng với những ưu điểm là cơ bản, có một số cán bộ, đảng viên trong đó có những cán bộ cao cấp của Đảng đã để cho người trong gia đình, người thân lợi dụng vị trí, cương vị công tác để làm sai, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nhằm trục lợi. Vì vậy, Đảng hết sức coi trọng việc cán bộ, đảng viên vừa phải đồng thời giữ gìn phẩm giá của bản thân và còn cả của gia đình, người thân. Đảng yêu cầu từng cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác, kiên quyết không được để cho gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng.

Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, thiết thực để cán bộ, đảng viên có thể làm tốt việc gương mẫu của gia đình, người thân. Điển hình như Quy định 144-QĐ/TW, chỉ rõ cán bộ, đảng viên phải: “Tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Hay như trong Quy định những Điều đảng viên không được làm, xác định đảng viên không được: “Can thiệp, tác động để gia đình, bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ công thuộc mình quản lý”. Đảng cũng cấm cán bộ, đảng viên không được tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình “xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi”.

Trên thực tế, trong những năm qua, có một số cán bộ, đảng viên không còn đủ uy tín, năng lực, thậm chí mắc sai phạm, khuyết điểm nhưng vẫn tham quyền, cố vị, không chịu từ chức, gây khó khăn cho tổ chức. Đảng đã thấy rõ và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, sửa chữa tình trạng đó. Ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị, khóa XIII, ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, xác định nhiều nội dung liên quan đến việc từ chức, miễn nhiệm của cán bộ không còn đủ khả năng, uy tín. Theo đó, từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận và miễn nhiệm là việc “cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”.

Việc thực hiện nghiêm túc Quy định trên của Đảng, với tinh thần cán bộ, đảng viên phải “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín” đã đem lại nhiều kết quả tốt, có ý nghĩa sâu sắc, được dư luận trong Đảng và Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Trong thời gian tới, chúng ta cần giữ gìn tốt hơn nữa phẩm giá của người cán bộ, đảng viên bằng sự nỗ lực rèn luyện phấn đấu của từng cán bộ, đảng viên, kết hợp với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời phải gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”./.

Cùng chuyên mục
Giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên