Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Đảm bảo quyền an sinh xã hội cho người nghèo
Giai đoạn 2016-2020, dù Việt Nam gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% NSNN đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.
Đặc biệt, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chú trọng tới người nghèo, lao động thiếu việc làm.
Động lực thoát nghèo càng mạnh mẽ hơn khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 75.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với việc triển khai nghèo đa chiều mới, quyền an sinh xã hội của người nghèo sẽ đảm bảo toàn diện hơn.
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, có thời hạn đảm bảo quyền con người.
Chương trình tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.
Theo đó, đối với người nghèo, Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo nâng cao thu nhập cho hộ nghèo thông qua các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Chương trình cũng hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.
Huy động tối đa nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ đã đạt được về chống đói nghèo trong hàng chục năm qua. Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) có thể bị gián đoạn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như: trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư…
Việc duy trì thành quả giảm nghèo đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài về sinh kế và an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của chính sách hỗ trợ là phải tập trung vào người dân và cộng đồng dễ rơi vào nghèo đói cùng cực do đại dịch. Để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, các chính sách cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khẩn cấp, cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài và đa chiều đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cũng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cũng như các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề.
Trước thực tế trên, Nghị quyết số 160/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/W ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 nêu rõ: Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Để triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững, Chính phủ cần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, tích cực vận động DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn; tăng nguồn vốn chính sách xã hội. Đây là các giải pháp thiết thực góp phần giảm nghèo bền vững./.
THÀNH ĐỨC