
Gian nan tiếp cận vốn vay
Triển khai chủ trương bảo đảm nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các chính sách vay ưu đãi cho người mua và doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH. Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030, với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Ngoài 4 ngân hàng trên, đến nay có thêm 5 ngân hàng (TPbank, VPBank, MBBank, Techcombank và HDBank) đăng ký tham gia Chương trình với số tiền đăng ký là 5.000 tỷ đồng/ngân hàng, nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 145.000 tỷ đồng.
Tôi đề nghị giao chỉ tiêu cụ thể cho các ngân hàng về phát triển NƠXH, kèm theo kế hoạch thực hiện chi tiết và hợp lý. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được triển khai, nhưng tiến độ giải ngân cần được điều chỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển mà các địa phương đề ra. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn được phân bổ kịp thời và hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực đẩy vốn vào phân khúc NƠXH. Tuy nhiên, thực tế đến nay, tốc độ giải ngân của gói tín dụng này vẫn rất hạn chế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2025, doanh số giải ngân của Chương trình đạt hơn 3.400 tỷ đồng (gồm 2.944,4 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án; 458,1 tỷ đồng cho người mua nhà tại 19 dự án). Trước đó, Báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2023 chỉ ra, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn NƠXH từ các gói tín dụng ưu đãi khó thực hiện khiến chủ đầu tư phải vay từ NHTM với lãi suất cao dẫn đến giá bán NƠXH cao, đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH khó tiếp cận. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng cho thấy, một số dự án tính vào giá bán phần chi phí lãi vay ngân hàng theo lãi suất vay vốn tại các NHTM trên cơ sở hợp đồng vay vốn với ngân hàng, cao hơn mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do NHNN Việt Nam xác định và công bố. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo KTNN là do điều kiện doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của ngân hàng hoặc thủ tục của ngân hàng dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc về giải ngân các gói tín dụng ưu đãi. “Gói 120.000 tỷ đồng (đã nâng lên 145.000 tỷ đồng) gặp khó khăn do quy trình, thời gian thẩm định tương đối khó và dài, người mua nhà khó chứng minh thu nhập, trong khi doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn này” - đại diện UDIC dẫn chứng và kiến nghị cần hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay với thời gian thẩm định ngắn, thời gian cho vay dài hơn để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà đầu tư.
Là người từng tham gia mua NƠXH, anh Nguyễn Văn L. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trong khi hồ sơ đăng ký mua NƠXH, chủ đầu tư yêu cầu phải có bản xác nhận thu nhập tại nơi cư trú hoặc nơi công tác là có mức thu nhập phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thì tại hồ sơ đăng ký vay vốn ưu đãi để mua nhà, ngân hàng tham gia Chương trình lại yêu cầu phải chứng minh thu nhập đủ khả năng trả nợ. Mức thu nhập này vượt xa so với thực tế thu nhập của những người lao động, khiến cho hành trình mua NƠXH thêm phần khó khăn…
Tạo nguồn vốn bền vững cho phát triển nhà ở xã hội
Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn phát triển NƠXH, ngay từ đầu năm, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các NHTM tham gia Chương trình cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP đẩy nhanh việc cho vay, giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án NƠXH. Các NHTM không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay NƠXH vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm.
Tuy nhiên, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng là nguồn vốn được lấy từ nguồn lực của các NHTM, không phải từ NSNN nên việc triển khai chính sách khó cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Quá trình cho vay phải đảm bảo các điều kiện cơ bản để lãi suất không quá thấp, quy trình xét duyệt điều kiện vay chặt chẽ, kỹ càng để bảo đảm thu hồi vốn… Đây là lý do khiến cả chủ đầu tư và người dân có nhu cầu mua NƠXH rất khó tiếp cận. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, nếu chỉ trông chờ vào gói tín dụng này, thì khó đạt mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030.
Thực tế trên cho thấy, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng không thể là chính sách quyết định để phát triển NƠXH. Bởi vậy, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc cần tính đến những giải pháp tài chính bền vững cho NƠXH. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) kiến nghị tăng cường các giải pháp huy động vốn trong nước để phát triển NƠXH. Theo đó cần hình thành quỹ phát triển NƠXH từ khoản 2% tiền sử dụng đất của các dự án NƠXH mà doanh nghiệp nộp. Nguồn quỹ này sẽ được dùng để đầu tư phát triển NƠXH trong tương lai. Đặc biệt, người dân có thể đóng góp trước vào quỹ khi đăng ký mua nhà. Tiêu chí ưu tiên dựa trên mức đóng góp và thời gian tham gia, ai đóng nhiều tiền và tham gia lâu hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn. “Cách làm này không chỉ huy động vốn hiệu quả mà còn giúp phân loại rõ ràng đối tượng có khả năng mua, thuê mua hoặc thuê nhà, thay vì phải đánh giá thủ công từng trường hợp” - đại biểu Cường nói.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH. Trong đó Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Phát triển NƠXH quốc gia từ nguồn NSNN cấp và nguồn hợp pháp khác, để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập NƠXH; hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ đối tượng được hưởng chính sách NƠXH…
Hướng tới quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030, đâu là những giải pháp đột phá cần được thúc đẩy; KTNN thể hiện vai trò đồng hành với công tác phát triển NƠXH như thế nào? Vấn đề này Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin ở kỳ cuối./.