Gỡ vướng về chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản

(BKTO) - Sau 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, hiện nay, còn nhiều cô đỡ thôn bản chưa được nhận chế độ phụ cấp do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

co-do-thon-ban.jpg
Các cô đỡ thôn bản cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản do Bộ Y tế
tổ chức. Ảnh: Tuấn Dũng

Nhiều cô đỡ thôn bản ngừng hoạt động do không có kinh phí

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản được tổ chức bài bản, hoạt động rất hiệu quả và là lực lượng cần thiết ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS.

Mặc dù, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã đã được triển khai theo địa bàn hành chính nhưng đối với những vùng đồng bào DTTS, việc động viên, khuyến khích bà con đến khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế, trạm y tế rất khó khăn, do bị chi phối bởi phong tục tập quán, văn hóa.

Đặc biệt, với những phụ nữ sinh đẻ tại nhà, nhân viên y tế, nhất là nam giới không tiếp cận được. Khi đó, chỉ có đội ngũ cô đỡ thôn bản là người địa phương, biết tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán và làm công tác vận động, gần gũi với bà con mới có thể tiếp cận để chăm sóc cho những phụ nữ trong quá trình mang thai, sinh đẻ, cũng như chăm sóc trẻ em sơ sinh.

Với vai trò đó, trong 30 năm qua, đã có hơn 3.000 cô đỡ thôn bản được đào tạo 6 tháng về kiến thức, kỹ năng chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/01/2023, đã có 1.528 cô đỡ thôn bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí; chỉ còn 1.549 cô đỡ đang hoạt động. Trong số đó, chỉ có 911 người đang thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ y tế thôn bản và được hưởng phụ cấp.

Để khắc phục tình trạng cô đỡ thôn bản không có chế độ phụ cấp, tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 - đã ban hành chế độ phụ cấp là 0,5% lương tối thiểu đối với đối tượng này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thực hiện vẫn phụ thuộc vào ý muốn của địa phương. Nhiều địa phương chưa thực hiện chi trả phụ cấp cho đối tượng này.

Cần sớm có giải pháp

Để tìm giải pháp cho vấn đề này, vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị vận động chính sách cho đối tượng cô đỡ thôn bản. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có Tờ trình Chính phủ về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để đáp ứng việc duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản.

co_do.jpg
Đội ngũ cô đỡ thôn bản đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh sưu tầm

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ: Ủy ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ cô đỡ thôn bản, đã ngày đêm không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công sức của đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em.

Các cô đỡ thôn bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là tài sản quý giá trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng mạng lưới cô đỡ thôn bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh".

Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Ông Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản.

Theo bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, để có thể duy trì những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ qua, cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả các bà mẹ, bất kể thuộc dân tộc nào hay đến từ đâu, đều có thai kỳ khỏe mạnh và được cán bộ y tế có kỹ năng chăm sóc khi sinh.

Vì vậy, để duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các Nghị quyết, kế hoạch hành động và văn bản hướng dẫn cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản.

“Điều này cần bao gồm phân bổ ngân sách đầy đủ và tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam, tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng năng lực cho các cô đỡ thôn bản ở các tỉnh có nhu cầu” - bà Lesley Miller nhấn mạnh./.

 Điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La Ha 36,5%, Mảng 34,1%.

Vẫn còn 13,6% phụ nữ DTTS không sinh con tại cơ sở y tế; 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ; 9,5% sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ; một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%; 38,8%; 37% và 36,5%.

Tỷ suất chết trẻ em DTTS dưới 1 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ cao (cá biệt dân tộc La Hủ: 6,6%, dân tộc Lự: 5,9%, dân tộc Si La: 5,1%...). Đặc biệt, vùng DTTS và miền núi vẫn còn 16,5% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; gần 1/5 trạm y tế chưa có bác sỹ, số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15,1%; 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Cùng chuyên mục
Gỡ vướng về chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản