Hà Giang: Đổi mới phương thức trồng rừng để phát triển kinh tế xanh

(BKTO) - Với cách tiếp cận tổng thể, đổi mới tư duy và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, tỉnh Hà Giang đang từng bước đưa rừng trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân…

rung.jpg
Người dân huyện Quang Bình (Hà Giang) đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Ảnh: ST

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có trên 571.244 ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 59,3%, nằm trong nhóm các địa phương có độ che phủ rừng cao trên cả nước.

Tỉnh Hà Giang cũng có gần 200 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Năm 2024, giá trị sản xuất lâm nghiệp (tính theo giá hiện hành) của tỉnh Hà Giang đạt trên 1.666 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 474,8 tỷ đồng, tăng 4,43% so với năm 2023.

Trong quý I năm 2025, tỉnh Hà Giang xuất khẩu lâm sản qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tiếp tục tăng mạnh. Nhiều hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn đã có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, giá trị kinh tế khai thác từ rừng vẫn chưa tương xứng. Việc phát huy giá trị đa dụng của rừng vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp chưa cao. Trước thực tế đó, ngành Kiểm lâm đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện hiệu quả “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình, dự án trọng điểm về lâm nghiệp như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đổi mới phương thức trồng và khai thác rừng, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. Thúc đẩy mô hình nông, lâm kết hợp, hỗ trợ người dân trồng xen canh các loại cây ngắn ngày dưới tán rừng trong thời gian rừng chưa khép tán, đồng thời khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý…; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái tại bốn khu rừng đặc dụng: Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Du Già và Bát Đại Sơn.

Đặc biệt, Hà Giang đang chủ động tiếp cận thị trường tín chỉ các - bon rừng. Đây là một lĩnh vực mới nhưng đầy triển vọng. Thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế, Hà Giang đang xây dựng năng lực, thiết kế dự án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tham gia khi thị trường tín chỉ các bon chính thức vận hành./.

Cùng chuyên mục
Hà Giang: Đổi mới phương thức trồng rừng để phát triển kinh tế xanh