Trận mưa lũ đã khiến 5 nhà ở bị đổ sập hoàn toàn, nhiều tài sản, diện tích hoa màu, cây cối bị vùi lấp, giao thông chia cắt. Tính đến chiều 11/9, có 36 hộ của thôn nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời cấp bách đến nơi an toàn. Qua đánh giá sơ bộ, khu vực này tiếp tục có nguy cơ sạt lở rất lớn, các hộ khó có thể quay lại ở, cần phải có phương án bố trí nơi ở mới.
Đến thời điểm này, toàn huyện có 228 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 209 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hàng chục con gia súc, gia cầm bị chết và 23 ha ao nuôi thủy sản bị lũ cuốn trôi.
Tuyến đường Quốc lộ 279 sạt lở ta luy 12 điểm, ước tính khối lượng 4.215 m3; đường tỉnh lộ 183 sạt lở trôi cầu tạm tại Km44 dọc tuyến Vĩnh Tuy (Bắc Quang) - Yên Bình (Quang Bình) và sạt lở ta luy dương hai bên đường.
Các tuyến đường trục xã, đường liên thôn, bản bị phá hủy, đứt gãy, sạt lở hàng chục điểm với khối lượng đất đá rất lớn. Nhiều công trình phúc lợi xã hội, trường học, cột điện cũng bị gãy đổ. Thiệt hại của địa phương lên đến 38 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại do thiên tai, huyện Quang Bình, Hà Giang đã chủ động ứng phó với các tình huống nguy hiểm, kịp thời di dời người dân vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, không để thiệt hại về người.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi, cập nhật, thông tin nhanh nhạy diễn biến thời tiết để người dân nắm bắt, không để bị động, bất ngờ; thực hiện di dời dân cư trong tình huống khẩn cấp; xây dựng phương án giải quyết tái định cư theo nguyện vọng của người dân, dựa trên cơ sở đánh giá của các ngành.
Đối với các cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, công trình phúc lợi xã hội bị thiệt hại, phải xây dựng báo cáo cụ thể theo quy định để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ. Cùng với đó, huyện sử dụng ngân sách dự phòng địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai ban đầu, quan tâm hỗ trợ cho các hộ đã di dời, để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, vực dậy sau bão lũ./.