Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đầu tàu cả nước về công nghiệp chủ lực

(BKTO) - Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đầu tàu cả nước về công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ. Với hàng loạt kế hoạch đột phá, từ thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm công nghệ cao, đến hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra toàn cầu, ngành công nghiệp Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội dần thay thế hàng nhập khẩu

Hà Nội luôn xác định, công nghiệp chủ lực (SPCNCL) và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là những lĩnh vực ưu tiên, đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo động lực tăng trưởng bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Với định hướng rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cụ thể, thành phố đang nỗ lực để đưa các sản phẩm công nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, bền vững.

z6159294737644_fea93ded3d9b930d21cadb3d4cdf8faf.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024 vào ngày 16/10/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 204-KH/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Công Thương đã tham mưu UBND Thành phố triển khai “Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên giai đoạn 2021–2025”. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh cao, tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện – điện tử, công nghệ sinh học, dược phẩm, và chế biến nông sản.

Giai đoạn đến năm 2030, Hà Nội định hướng ưu tiên các ngành công nghệ tiên tiến như công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, và công nghệ thông tin, viễn thông. Sau năm 2030, trọng tâm chuyển sang các ngành công nghiệp thế hệ mới như tự động hóa, vật liệu cao cấp và công nghệ sinh học. Đây là những lĩnh vực dự báo sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2021–2024, Hà Nội đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình SPCNCL. Hiện tại, thành phố đã công nhận 172 sản phẩm thuộc 114 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực, vượt mục tiêu đề ra. Những sản phẩm này không chỉ thay thế hàng nhập khẩu mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính.

Với những định hướng chiến lược, nỗ lực đồng bộ từ chính quyền và doanh nghiệp, ngành công nghiệp Hà Nội đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Trong năm 2024 thành phố đã công nhận 289 sản phẩm công nghiệp chủ lực, vượt xa mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của Thủ đô.

Cũng trong năm nay, để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024 vào tháng 10/2024. Hội chợ với sự tham gia của hơn 200 gian hàng từ các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. Hội chợ này nhằm tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp chủ lực và các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, Sở cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số và chuỗi cung ứng cho gần 600 lãnh đạo doanh nghiệp.

Ưu tiên đặc biệt cho phát triển công nghiệp chủ lực

Trong quá trình phát triển Thủ đô, Hà Nội tạo điều kiện cho mọi ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, thành phố đang ưu tiên đặc biệt và có chọn lọc cho sản phẩm chủ lực, có sự định hướng, nhằm dẫn dắt đầu tàu cho nền kinh tế.

Kiên định mục tiêu trên, Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách, văn bản pháp lý và kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ tài chính, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…

UBND thành phố xác định các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ của thành phố như: Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay, lãi suất sau đầu tư, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Qua sự quan tâm đặc biệt, cũng như có nhiều cơ chế khuyến khích nên thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại mà thành phố đang đúc kết để có các giải pháp tối ưu. Chẳng hạn, hiện nay chưa khẳng định vai trò động lực phát triển của sản phẩm công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế Thủ đô.

z6159294815317_666b4f7850976cf44eabf6f67bb00441.jpg
Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được trưng bày tại Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Việc liên kết hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với nhau cũng chưa thực sự chặt chẽ, chưa gắn kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong vai trò hạt nhân, thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia hình thành chuỗi sản xuất... Ngoài ra, việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực sau khi được công nhận còn hạn chế. Đồng thời, chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chủ lực.

Hơn nữa, việc trợ giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; đổi mới và cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... còn khiêm tốn…

Hà Nội đang phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố tăng 10 - 12% so với năm 2020, đóng góp 35 - 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ như tới đây sẽ xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Cùng chuyên mục
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đầu tàu cả nước về công nghiệp chủ lực