Hà Nội phải đi trước cả nước về công nghiệp và phát triển

(BKTO) - Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 công việc lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, tư tưởng Hà Nội vươn ra cạnh tranh với thế giới phải xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

4.png
Quang cảnh Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới

Tham gia ý kiến tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh về 5 điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô:

Thiếu thể chế; Hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; Quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; Ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ; Năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần thống nhất quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước. Đồng thời, tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về công nghiệp và phát triển.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, để từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.

Thời gian không còn nhiều nên Hà Nội cần tăng tốc hoàn thiện các nội dung còn mờ nhạt trong báo cáo Quy hoạch, nhất là những vấn đề lớn, định hình diện mạo tương lai, ví dụ như nội dung về không gian ngầm, PGS.TS. Trần Đình Thiên gợi mở.

Quy hoạch phát triển Thủ đô nên theo chiều sâu

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, quy hoạch phát triển Thủ đô nên theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén. Cùng với đó là chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, các đơn vị lập Quy hoạch lưu ý xây dựng các bộ chỉ số áp dụng đặc biệt trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; quy hoạch gắn với bảo tồn và phát triển, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện và xác định các ưu tiên tập trung. Đồng thời, cần lưu ý kỹ về yếu tố giao thông trên cơ sở nghiên cứu thêm một số mô hình các quốc gia khác.

Các định hướng phát triển Thủ đô phải hướng đến là thành phố có giá trị về kinh tế, văn hoá, lịch sử, là thành phố có sức sống, có sức cạnh tranh, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, Hà Nội đang làm đồng thời 3 việc quan trọng có mối liên hệ trực tiếp với nhau là: Lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc tiến hành cả 3 công việc này cùng một lúc là cơ hội để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tạo căn cứ lớn về định hướng phát triển và định vị không gian phát triển để quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh theo. Để thực hiện các quy hoạch này, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra căn cứ pháp lý về cơ chế, thể chế đặc thù để bảo đảm ý tưởng, mục tiêu xác định trong các quy hoạch được triển khai trong thực tiễn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ được Bộ Chính trị xây dựng và ban hành với tư duy mới, đánh giá, nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác so với trước. Theo đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu Hà Nội phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đến năm 2045 phải là thành phố kết nối toàn cầu. Chính vì vậy, tư tưởng Hà Nội phải vươn ra cạnh tranh với thế giới xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên.

Để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, lập Quy hoạch Thủ đô, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu.

Thành phố sẽ tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, hướng đến mục tiêu có được những bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi./.

Cùng chuyên mục
Hà Nội phải đi trước cả nước về công nghiệp và phát triển