Mới đây, ngày 1/12/2024, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 60/KH-BCDD389/TP về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo Kế hoạch này, toàn thể lực lượng liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội sẽ ra quân kịp thời nắm bắt, kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo từng lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Đối với lực lượng quản lý thị trường, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, trong cao điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội - thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới, cùng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Mục tiêu là phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để đạt hiệu quả cao trong nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin với các đơn vị chức năng như công an, hải quan và bộ đội biên phòng. Cùng với đó, Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để rà soát các sàn thương mại điện tử, website và ứng dụng mạng xã hội nhằm phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh trái phép.
Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội đôn đốc các đơn vị chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Các tuyến, địa bàn trọng điểm được xác định gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, chuyển phát nhanh; các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý phân phối, các kho, điểm thường xuyên tập kết, giao nhận, mua bán hàng hóa… trên địa bàn Thành phố.
Các mặt hàng trọng điểm sẽ được kiểm tra kiểm soát nhiều như hàng cấm (ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ…), hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng (xăng dầu, khí hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử…)...
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm trên địa bàn. Điển hình, vào cuối tháng 10/2024, Đội QLTT số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và kiểm tra kho hàng của một hộ kinh doanh tại Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều sản phẩm dán nhãn giả của các thương hiệu khác và được buôn bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử. Đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này. Vụ việc hiện đang được xử lý theo quy định pháp luật.
Tiếp đó, ngày 11/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cũng đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng tại huyện Hoài Đức. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sử dụng máy may công nghiệp để may các vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: BMW, Mercedes, Audi, Lexus, Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Hyundai, Kia, Mazda... lên các phụ kiện ô tô. Những sản phẩm này ngang nhiên bày bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh kiểm tra kiểm soát xử lý hàng hóa vi phạm trên thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý việc vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi vi phạm mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội; chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, khí cười, rượu bia, nước giải khát; thực phẩm tươi sống. Tập trung kiểm tra nhiều ở các kho hàng, kho lạnh, các điểm tập kết hàng hóa...
Những hoạt động kiểm tra và xử lý này không chỉ thể hiện sự quyết liệt của Quản lý thị trường Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mà còn góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và duy trì trật tự kinh tế trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025./.