
Với kết quả này, năm 2024, Hải Phòng vinh dự đứng đầu Bảng xếp hạng 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: Chỉ số PCI, Chỉ số Cải cách hành chính 2024 (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.
Đối với Chỉ số PAR Index, năm 2024 là lần thứ 2 TP. Hải Phòng dẫn đầu cả nước với với kết quả đạt 96,17% (lần gần nhất là năm 2021). Trong lịch sử 13 năm đánh giá, Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số này, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.
Năm 2024 cũng là năm đầu Hải Phòng xếp hạng nhất trong Bảng Chỉ số SIPAS với kết quả đạt 90,59%. Trong đó, Hải Phòng cũng đứng đầu cả nước về mức độ hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh “tiếng nói” doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố.
Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua.
Để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung tăng tốc và bứt phá trong xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu, để không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của nhân dân và doanh nghiệp.
"Hải Phòng quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030" - đồng chí Lê Tiến Châu khẳng định.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ chủ động quy hoạch, tái cấu trúc không gian phát triển theo mô hình đô thị đa cực - công nghiệp - dịch vụ tích hợp, tạo động lực mới từ cả nội đô lẫn vùng ven, với các trung tâm hành chính - công nghiệp - logistics hiện đại sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo dư địa tăng trưởng dài hạn, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững; phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước - tăng trưởng theo sau”, ưu tiên hoàn thiện Cảng Lạch Huyện, phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.
Kiến tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở, quyết tâm tiên phong đề xuất cái mới, làm cái khó, từ đó, mở đường thể chế cho cả nước. Đồng thời thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng sinh thái, công nghệ cao.
Thành phố cũng tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời chú trọng đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, với hệ sinh thái giáo dục - y tế - dịch vụ - nhà ở đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn...
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành, xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng Chỉ số PCI. Tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) giúp lan tỏa tinh thần cải cách tới tất cả sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ.../.