Hải quan Việt Nam hợp tác, nâng cao hiệu quả kiểm soát ma tuý

(BKTO) - Để tăng cường công tác phòng, chống ma túy, ngành hải quan sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, bổ sung trang thiết bị soi chiếu chuyên dùng…, đồng thời tiếp tục hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác.

16.jpg
Lực lượng chống buôn lậu Hải Đội 1 – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan làm nhiệm vụ trên vùng biển Quảng Ninh. Ảnh: ST

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất vẫn diễn biến phức tạp. Trên tuyến đường bộ, tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Ở tuyến hàng không và chuyển phát nhanh, các vi phạm được phát hiện tập trung chủ yếu qua các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). Các đối tượng sử dụng phương thức ngụy trang, cất giấu ma túy trong túi xách cá nhân, thuốc, thực phẩm... thậm chí nuốt ma túy trong người. Từ đó, ma tuý được trộn lẫn trong hàng hóa ký gửi, hàng thuộc diện quà biếu phi mậu dịch gửi từ các quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương… về Việt Nam rồi tiêu thụ trong nước hoặc chuyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại.

Trên tuyến biển, nổi lên trong quý I/2024 là tình trạng ma túy trôi dạt ngoài khu vực bờ biển thuộc các tỉnh miền Trung. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã thu giữ các gói ma túy trôi dạt trên biển có gắn các thiết bị định vị với số lượng lớn tại vùng biển các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… 5 tháng đầu năm 2024, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) phát hiện, bắt giữ 134 vụ, 159 đối tượng (trong đó lực lượng Hải quan chủ trì 49 vụ), thu giữ hơn 650,2kg ma túy các loại, tăng 44% về số vụ và tăng 15,5% về số tang vật thu giữ so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho biết, để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu để lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm nhằm cảnh báo, hướng dẫn các cục hải quan địa phương về phòng, chống ma túy. Ngành hải quan sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng thu thập thông tin. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu để kịp thời phát hiện hành vi cất giấu ma túy trong hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải; tăng cường sử dụng công cụ, trang thiết bị soi chiếu, đặc biệt là trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng, chống ma túy…

16b.jpg
Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. Ảnh: ST

Hợp tác quốc tế, thúc đẩy trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau

Ông Kim Hyeon-seok - Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu, Hải quan Hàn Quốc - cho rằng, cơ quan hải quan Hàn Quốc và Việt Nam có thể hợp tác để chia sẻ phương thức, thủ đoạn buôn lậu ma tuý mới nhất và kiểm soát ở cả hai quốc gia. Ví dụ, Hải quan Hàn Quốc có thể nhận các thông tin trước về mặt hàng nghi vấn trên chuyến bay hoặc chuyến tàu xuất phát từ Việt Nam để kiểm soát hiệu quả hơn. Từ đó, hai nước cùng đánh giá rủi ro liên quan đến vấn đề vận chuyển trái phép ma tuý; tăng cường thu thập và phân tích thông tin 24/7 về các hoạt động liên quan đến ma tuý trên địa bàn và phối hợp kiểm tra các kiện hàng có nghi vấn tới Hàn Quốc và Việt Nam...

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc hợp tác quốc tế đã hỗ trợ cơ quan Hải quan Việt Nam thực hiện hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin; hỗ trợ xác minh, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tăng cường đấu tranh phòng, chống ma túy trong lĩnh vực hải quan, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác.

Các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, đã cung cấp kịp thời, chính xác, có chất lượng nhiều thông tin, dấu hiệu về đối tượng, phương thức, địa bàn, tuyến trọng điểm. Từ đó, cơ quan hải quan phối hợp phát hiện, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới quy mô lớn, xuyên quốc gia. Điển hình có thể kể đến như nguồn thông tin từ kênh hợp tác quốc tế đã góp phần xây dựng và khám phá thành công một số chuyên án ma túy lớn như chuyên án HK668. Chuyên án này bắt giữ toàn bộ đường dây gồm: 5 đối tượng (3 đối tượng có quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), 1 đối tượng có quốc tịch Trung Quốc Đại lục, 1 đối tượng có quốc tịch Việt Nam); thu giữ 280,85kg Ketamine (trị giá gần 300 tỷ đồng), 6 vỏ máy mô tơ chứa ma túy, 1 máy nâng tay cỡ to… cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác. Đây là chuyên án ma túy lớn do Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và lực lượng Công an phối hợp triệt phá đường dây trung chuyển ma túy vào Việt Nam đi nước thứ ba do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) điều hành với số lượng ma túy lớn.

Thời gian tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan nói chung và kiểm soát, phòng, chống ma túy nói riêng theo các khuôn khổ hợp tác song và đa phương. Qua đó, huy động tối đa các nguồn lực để trao đổi, hỗ trợ về nghiệp vụ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong lĩnh vực hải quan./.

Cùng chuyên mục
Hải quan Việt Nam hợp tác, nâng cao hiệu quả kiểm soát ma tuý