Hạn chế tăng giá thuốc qua khâu trung gian

(BKTO) - Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 18/6, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

202406181523148527_z5550307200446_438c847566bcc69809e6487676672fec.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Dược. Ảnh: VPQH

Bổ sung các quy định đặc thù về kê khai giá thuốc

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký, lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục những hạn chế về quản lý giá thuốc. Theo đó, sửa đổi, bổ sung tên khoản 4 và điểm a khoản 4 Điều 7 để thống nhất với Luật Đấu thầu 2023.

Dự thảo Luật sung các quy định đặc thù về kê khai giá thuốc khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường theo quy định của Luật Giá. Theo đó, bổ sung thuật ngữ “giá bán buôn thuốc”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 107 theo hướng thực hiện kê khai giá đối với danh mục thuốc, nhóm thuốc do Chính phủ ban hành; bổ sung quy định việc kê khai giá thuốc theo đúng quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 và quy định rõ kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến theo quy định tại Luật Dược.

202406181523148996_z5550328509257_8eca11dd0aafd2cf79c6800ff8707103.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 109, 110, 112 và 113 để quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; sửa đổi Điều 114 để bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và quy định rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về kê khai giá thuốc.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai là chưa phù hợp với Luật Giá.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước.

202406181523149309_z5550401157282_7074d2c7c91f18042961cc7652b4b1ca.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: VPQH

“Giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng” - bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến (quy định tại khoản 3 Điều 107) để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

Tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân

Ngay sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.

Dự thảo Luật lần này đã có quy định về kiểm soát giá tính đến tính đặc thù của thuốc; áp dụng Luật Giá năm 2023Chúng ta cần lưu tâm, nghiên cứu vấn đề này, tính toán làm sao để giá thuốc đến với người dùng tốt nhất các doanh nghiệp dược vẫn đảm bảo lợi nhuận hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Quan tâm đến quy định về trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện quy định về kê khai giá thuốc, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung “các yếu tố cấu thành giá sản phẩm mà cơ sở kê khai có đủ các tài liệu chứng minh”

Theo đại biểu, qua nghiên cứu tính chất đặc thù, một số các sản phẩm thuốc được nghiên cứu bài bản từ đề tài nghiên cứu,nghiên cứu lâm sàng…các chi phí này đều được cấu thành vào giá sản phẩm. Do vậy, trường hợp chỉ tính giá thành sản phẩm trên cơ sở phù hợp với mặt bằng giá thị trường sẽ làm mất đi tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm giữa các doanh nghiệp hoặc xây dựng giá thành có mức lợi nhuận bất hợp lý (giá quá cao so với phương pháp xây dựng giá thành dựa trên chi phí).

60bc8638f1f652a80be7.jpg
Đại biểu Khang Thị Mào phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Do đó, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định: “Cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thực hiện kê khai giá bán buốn dự kiến phù hợp với mặt bằng các yếu tố cầu thành giá sản phẩm mà cơ sở kê khai có đủ các tài liệu chứng minh trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai theo quy định tại Luật hiện hành”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, thuốc là hàng hóa thiết yếu trong đời sống con người. Nếu quản lý giá thuốc tốt, người dân được tiếp cận thuốc với giá rẻ, bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất. Vì vậy, cần bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh thuốc.

Theo đại biểu, thời gian qua, việc quản lý giá thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Dù việc sửa đổi Luật Dược lần này có nhiều chuyển biến để phù hợp với Luật Giá song Dự thảo Luật cũng chưa giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giá, niêm yết giá, thuốc kê đơn và không kê đơn… Đại biểu Cường đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, xử lý tốt nội dung này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, đề nghị làm rõ quy định về chuỗi nhà thuốc; các chính sách ưu đãi đầu tư; về dược liệu; kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử; việc niêm yết giá thuốc còn “vênh” với thực tế…

Cùng chuyên mục
Hạn chế tăng giá thuốc qua khâu trung gian