Hành động kịp thời, không để đứt gãy chuỗi cung ứng

(BKTO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp đến mọi hoạt động của đời sống, xã hội, đặc biệt là nền kinh tế, PGS,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đang là vấn đề đáng báo động, sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế.



Tác động rất lớn đến nền kinh tế, môi trường đầu tư

Tại Tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, PGS,TS. Phạm Hồng Chương đã nhấn mạnh đến những tác động tiêu cực, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn lâu dài, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tác động này thể hiện rõ nhất vào tháng 8 với các đầu mối bị tác động mạnh là ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

PGS,TS. Phạm Hồng Chương cho biết, chỉ số của lĩnh vực chế biến, chế tạo vào tháng 8 cho thấy công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng (xuất khẩu và bán lẻ) đang bị thu hẹp. Trong khi đó, công đoạn thượng nguồn gồm nhập khẩu có xu hướng mở rộng.
                
   

Áp dụng mô hình “ba tại chỗ” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các DN. Ảnh: neu.edu.vn

   

Làm rõ về tác động nghiêm trọng của Covid-19 tới chuỗi cung ứng tại Việt Nam, PGS,TS. Phạm Hồng Chương dẫn minh chứng việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều DN lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế "3 tại chỗ" và "một cung đường, hai điểm đến".

"Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các DN trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ hoạt động với công suất 50%-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Khoảng 40% DN có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại chỗ" - PGS,TS. Phạm Hồng Chương cho biết.

Đánh giá về thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, PGS,TS. Phạm Hồng Chương cho rằng tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm soát dịch đã và đang tác động lớn đến chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân do quan điểm chống dịch lấy phòng hơn chống nên chuyển đổi trạng thái không kịp thời, bị động, có thể là các nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng ký kết trước đó. Việc thực hiện giãn cách xã hội thiếu thống nhất ở các địa phương, cộng thêm các chuỗi cung ứng đều có nguyên nhân thiếu lao động, chậm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, lưu thông và dịch vụ logistics bị đứt gãy.

Những giải pháp cấp bách cần thực hiện

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh; có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, quy trình chuyển đổi từ trạng thái từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”.

Việc mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước, linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích DN hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19.
                
   

Cần bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Ảnh: N.LỘC

   

PGS,TS. Phạm Hồng Chương kiến nghị, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới như: chính sách thu hút lao động trở lại sản xuất, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở cho lao động tại các khu công nghiệp không thể như trước đại dịch; cần có các chính sách hậu cần, logistics của từng địa phương, thành phố bài bản hơn theo các trung tâm logistics địa phương và được quan tâm đầu tư nhiều hơn như các phương thức vận chuyển, phương tiện vận chuyển, kho hàng, bổ sung mặt hàng dự trữ quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ quốc gia 2013 và xây dựng Chiến lược Dự trữ Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới.

PGS,TS. Phạm Hồng Chương cũng cho biết, với vai trò là cơ quan nghiên cứu tư vấn chiến lược và chính sách kinh tế xã hội, mới đây Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đánh giá thực trạng điểm nghẽn hiện nay, đó là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội chưa đảm bảo.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” một cách cứng nhắc, gây khó khăn lớn cho các DN cũng như tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đến nền kinh tế, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tình trạng này. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất; cho phép các DN được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.

Đặc biệt, các lao động tại các khu công nghiệp và các DN trong chuỗi cung ứng cần có không gian độc lập tách rời khu dân cư; đẩy nhanh việc tiêm vắc xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất, dân cư toàn xã hội. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra, khi các trạm kiểm tra phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.

Xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, DN đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.

Ngoài ra, Chính phủ, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, DN và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19.
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Hành động kịp thời, không để đứt gãy chuỗi cung ứng