“Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam được 14 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận

(BKTO) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 17/02, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, tính đến ngày 16/02 đã có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý công nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam.



                
   

Quang cảnh buổi họp báo.Ảnh: D.THIỆN

   

Cụ thể, 14 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam bao gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, một số đối tác khác cũng đang xem xét rất tích cực, trao đổi thêm về các vấn đề kỹ thuật và sẽ sớm có khẳng định với Việt Nam về vấn đề công nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam.

“Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang tích cực vận động, trao đổi với các nước, thúc đẩy việc chính thức công nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân” - bà Hằng nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện Việt Nam đang công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, “hộ chiếu vắc xin” của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Bộ Ngoại giao các nước cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao.

Cũng tại cuộchọp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 07/12/2021, đại diện Bộ Công Thương đã có ý kiến về việc này.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tích cực, trong đó sự hợp tác về kinh tế - thương mại giữa hai nước đượcduy trìtheo hướng hài hòa lợi ích và bền vững.

Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển mốiquan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, việc phía Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính. Đồng thời gây tác động bất lợi đến ngành trồng trọt của Việt Nam, trong đó ong nuôi giúp thụ phấn hoa. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm, sinh kế của nhiều gia đình nuôi ong và nông dân, chủ yếu ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên của Việt Nam.

“Hiện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành trao đổi với phía Hoa Kỳ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc, đề nghị các biện pháp của phía Hoa Kỳ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam” - bà Lê Thị Thu Hằng nói./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
“Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam được 14 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận