Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở hiện đại, ứng dụng công nghệ cao

(BKTO) - Đó là những kỳ vọng, đề xuất của đại biểu nông dân trên cả nước về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Tiếp tục phát huy phát huy vai trò nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp

Sáng 26/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển" đã chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đại hội thu hút sự tham gia của 995 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước.

tong-bi-thu.jpg
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội. 

Đến dự và chỉ đạo tại Đại hội có: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ. Cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

ong-luong-quoc-doan.jpg
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Đại hội. 

Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII Lương Quốc Đoàn cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu đã tác động khó khăn đến mọi mặt kinh tế, xã hội nói chung và công tác Hội, phong trào nông dân, đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước. Song, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức đoàn thể tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả, cùng với tinh thần đoàn kết, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên của cán bộ, hội viên, nông dân; các cấp Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới, thiết thực, tổ chức hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam đề ra.

Các phong trào thi đua yêu nước được lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Hoạt động tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của giai cấp nông dân và của các cấp hội nông dân trong cả nước.

Tổng Bí thư cảm ơn sự giúp đỡ đầy thiện chí, hợp tác có hiệu quả của các tổ chức nông dân trên thế giới và bạn bè quốc tế đối với Hội Nông dân Việt Nam và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong thơi gian tới, Tổng Bí thư đề nghị các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân-nông dân-trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Người nông dân cần tiếp tục được hỗ trợ đầu tư cơ sở hiện đại, công nghệ cao

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã lắng nghe nhiều tâm sự, nguyện vọng của các đại biểu nông dân đến từ cả nước. Nhiều đại biểu mong muốn, nhiệm kỳ tới hoạt động của các cấp hội sẽ có nhiều thay đổi mới, giúp người nông dân nhiều hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, đề ra những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các đại biểu cũng cho rằng, thực tế hiện nay, ở vùng nông thôn việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn khó khăn, thiếu nguồn nhân lực. Đại biểu mong muốn Đại hội sẽ đề ra nhiều giải pháp trong tập hợp, thu hút người dân tham gia vào tổ chức; xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, khai thác được lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị theo xu thế thị trường, để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nhiều đại biểu về dự Đại hội cho biết, những ngày này, nông dân cả nước luôn theo dõi, chờ đợi Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ có những quyết định, vấn đề quan trọng mà người nông dân quan tâm hiện nay.

Theo đó, nông dân mong muốn tăng cường trách nhiệm của tổ chức Hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ; động viên hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.

Các đại biểu nông dân kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, để giúp cho bà con tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định, không lo điệp khúc "được mùa - mất giá".

Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các vùng trồng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hiện trong sản xuất nông nghiệp, nông dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giá phân bón, vật tư duy trì ở mức cao mà đầu ra sản phẩm thấp làm cho chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ dân không mặn mà thực hiện các mô hình liên kết sản xuất.

Vì vậy, nông dân cả nước mong muốn Nhà nước quan tâm đến đầu tư, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp và nông dân ổn định sản xuất, chia sẻ lợi nhuận; quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ; hỗ trợ vốn, cung ứng phân bón, cây, con giống chất lượng cho nông dân; chính sách đầu tư, hỗ trợ mô hình ứng dụng, liên kết chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, giúp nông dân tham gia hiệu quả.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển Hợp tác xã mà không cần có tài sản thế chấp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở hiện đại, ứng dụng công nghệ cao