Hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp

(BKTO) - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết phối hợp công tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ…

toan-cnah-phu-nu(1).jpg
Toàn cảnh Lễ ký kết. Ảnh sưu tầm

Mới đây, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2027 đã diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.

Theo đó, Chương trình phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã năm 2023 và thực hiện các Đề án của Chính phủ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Chia sẻ tại Chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, trong nhiệm kỳ qua, với chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo xây dựng, triển khai nhiều chương trình có tính chiến lược, bám sát nhu cầu thực tiễn của từng nhóm đối tượng. Hội đã đẩy mạnh sự tham gia chủ động, có hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, Hội được giao thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đặc biệt, Hội được giao là cơ quan chủ trì triển khai 2 Đề án của Chính phủ, đó là Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939) và Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 (Đề án 01).

Đề án này đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của các Bộ, ngành, các địa phương; 63/63 tỉnh, thành đã được UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án. Một số hoạt động trọng tâm của Đề án là tham mưu đề xuất chính sách, tuyên truyền, phổ biến luật pháp chính sách; tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản trị, chuyển đổi số; hỗ trợ kết nối thị trưởng; tiếp cận dịch vụ tài chính, xúc tiến thương mại…

phoi-hop-dai-dien(1).jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng . Ảnh sưu tầm

Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập mới 1.214 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với trên 20.000 thành viên và 12.000 tổ hợp tác với trên 32.000 thành viên, trong đó có trên 70% là hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Thu nhập bình quân của thành viên đạt trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, rào cản khiến phụ nữ chưa thực sự phát huy hết tiềm năng trong phát triển doanh nghiệp, xây dựng hợp tác xã. Đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số, yêu cầu của phát triển bền vững, quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Bên cạnh đó, các mô hình khởi nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý chưa đồng đều ở các khu vực, tập trung chủ yếu ở phía Bắc, các vùng số lượng hợp tác xã còn rất thấp như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Do vậy, Hội LHPN Việt Nam xác định cần mở rộng hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương để có thêm nhiều chính sách, chương trình gia tăng giá trị cho phụ nữ trong tham gia phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chủ tịch Hà Thị Nga bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong triển khai các hoạt động của 2 Đề án 939 và Đề án 01, đặc biệt trong việc xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026 - 2035 mà Chính phủ đã giao trách nhiệm trong Nghị quyết số 26-NQ/CP ngày 27/02/2023. Đồng thời, cam kết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các tỉnh/thành chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình phối hợp; chủ động tham gia thực hiện Chương trình phối hợp theo chức năng nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh/thành phố triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể. “Tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng, hai bên sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững” - Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp