Đây cũng là những đánh giá được đưa ra tại Tọa đàm "Tác động của đại dịch Covid-19 tới chuỗi cung ứng toàn cầu: Hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức mới đây.
Đứt gãy chuỗi cung ứng và sự lệ thuộc của kinh tế toàn cầu
Tại Tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận về những tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực vận tải của Việt Nam và hoạt động kinh doanh của DN trong bối cảnh hiện nay và đưa ra những khuyến nghị thiết thực.
PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại, như "sự lệ thuộc kinh tế toàn cầu vào một điểm, một khâu, một địa phương khiến cho nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết".
Theo TS. Trần Đình Thiên, khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào đầu năm 2020, “tọa độ” quan trọng bậc nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu-Trung Quốc đã bị đứt gãy. Từ đó, nền kinh tế tốc độ cao bị chia cắt và chặn đứng, logictics toàn cầu hóa của kinh tế truyền thống bị phá vỡ.
Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ nhiều rủi ro của kinh tế toàn cầu khi chuỗi cung ứng, hoạt động vận tải bị gián đoạn. Ảnh: N.LỘC |
Đặc biệt, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cước vận tải tăng cao bóp nghẹt sản xuất. Đơn cử, giữa năm 2021, chi phí chuyển một container từ châu Á sang châu Âu đã tăng 10 lần so với tháng 5/2020. Cước vận tải biển tăng cao là do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ở nhiều điểm. “Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt container có thể kéo dài sang giữa năm 2022. Nếu đại dịch không được kiểm soát hiệu quả, tắc nghẽn tại cảng có thể trở thành vấn đề nan giải” – ông Thiên đưa ra dự báo.
Đồng ý kiến, PGS,TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, vì Việt Nam có mức độ hội nhập cao với thế giới và có sự phụ thuộc nhất định vào các yếu tố bên ngoài, nên những biến động trên toàn cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, mà đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình.
TS. Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch và các cú sốc của kinh tế thế giới. Sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hàng hóa trung gian từ Trung Quốc và Hàn Quốc; giá trị gia tăng trong nước chưa cao, chủ yếu là lắp ráp và sản xuất các mặt hàng giản đơn; tỷ lệ cung cấp sản phẩm trung gian của DN Việt Nam làm đầu vào cho các nước rất thấp.
Bên cạnh đó, hiện nay, một cuộc di cư về quê của lao động nhập cư từ các địa phương kể từ đầu đại dịch khiến các trung tâm công nghiệp ở Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Tiếp tục quan tâm đến chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, người lao động
Mặc dù nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, khi đại dịch vẫn chưa chấm dứt, tuy nhiên, với những hành động quyết liệt, tập trung hỗ trợ khôi phục kinh tế - xã hội của Chính phủ hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm đều tin tưởng vào triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế trong tương lai gần của Việt Nam.
Theo nhận định của GS,TS. Heribert Dieter (Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh - Đức), Việt Nam hiện đang được đánh giá là một trong những trung tâm sản xuất của thế giới và đang đứng trước cơ hội “vàng” để có thể trở thành "công xưởng sản xuất mới toàn cầu".
Ông cho rằng, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại để đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một quốc gia đang mang lại cơ hội cho một số nền kinh tế như Việt Nam hay Ấn Độ.
Việt Nam đang nỗ lực để phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời với phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: N.LỘC |
Ông Florian Feyerabend - Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam lạc quan cho rằng: "Khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng và chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, một thời kỳ bình thường mới sẽ bắt đầu với các động lực kinh tế được tái khởi động. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài".
Để hiện thực hóa những mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị đến Chính phủ, các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trước tiên, Việt Nam cần bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.
Các cơ quan chức năng cần thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.
Về dài hạn, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung; tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu; ưu tiên nguồn lực cho đào tạo lao động với việc phát triển các kỹ năng về tiếng Anh, máy tính, kỹ năng số; chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược dịch vụ logistics một cách thống nhất.
Đồng quan điểm, TS. Trần Toàn Thắng (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng Việt Nam cần phải làm tốt hơn nữa trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, DN để ứng phó với dịch bệnh. "Chính phủ đang thiết kế một gói chính sách phục hồi tăng trưởng, hướng tới mục tiêu cải thiện nền kinh tế trong mục tiêu dài hạn hơn" -TS. Trần Toàn Thắng thông tin.