Đây là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới CT,SGK giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 20/8.
Thách thức từ dịch bệnh ảnh hưởng đến thực hiện đổi mới chương trình
Báo cáo những kết quả đáng ghi nhận sau 1 năm thực hiện CT,SGK mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong bối cảnh đầy khó khăn, toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; vừa triển khai CT,SGK mới cấp tiểu học đối với lớp 1.
Trước khi vào lớp 1 trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên các em hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn.
Việc tổ chức tập huấn chương trình, nhiệm vụ mới thông qua trực tuyến, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi CT,SGK mới đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn. Cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng...
Tuy chưa thể đạt kết quả như mong muốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình mới mẻ, song việc áp dụng CT,SGK mới cũng có tác động bước đầu đến việc dạy và học. Cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình mới khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Đồng thời, trong việc tổ chức việc biên soạn, thẩm định SGK, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu có kết quả tích cực.
Việc thực hiện CT,SGK mới còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những thành quả quan trọng chương trình đạt được. Qua giám sát, Ủy ban nhận thấy quá trình triển khai thực hiện CT,SGK mới đã được phát huy tính tích cực, thực chất.
Song, vì chưa có trong tiền lệ nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi lúng túng trong triển khai; đồng thời vừa làm vừa thuyết phục để tạo đồng thuận trong toàn ngành và trong xã hội. Đó cũng là lý do dẫn tới việc chậm tiến độ, thay đổi về cách thức thực hiện và Chính phủ đã phải trình xin ý kiến Quốc hội điều chỉnh.
Việc đổi mới CT,SGK được thực hiện trong điều kiện nguồn lực hạn chế; điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của việc tập huấn giáo viên và tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến. Đây là khó khăn lâu dài, nhất là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mới đối với lớp 1 trong điều kiện dịch bệnh.
Hướng đi đúng, cần nỗ lực vượt khó để về đích
Trên cơ sở đánh giá, nhận định những kết quả bước đầu đạt được, các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định tính đúng đắn của CT,SGK mới và cần nỗ lực để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu đề ra.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới, về chương trình, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thêm ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục về thời lượng khung chương trình, đặc biệt ở bậc tiểu học... để có những giải pháp định hướng kịp thời.
Mặt khác, để chương trình bảo đảm định hướng thống nhất, là cơ sở, căn cứ xây dựng SGK bảo đảm chất lượng, hàng năm, Bộ cần đánh giá, tổng kết, rút ra những vấn đề mà thực tiễn đặt ra; báo cáo Quốc hội để giám sát.
Việc đổi mới CT,SGK phải hướng đến nâng cao phẩm chất, kỹ năng cho học sinh. Ảnh: N.LỘC |
Sự ra đời của 5 bộ SGK lớp 1 là sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, nhiều mặt đáng được ghi nhận. Tuy nhiên trong quá trình giám sát, Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vẫn nhận được nhiều góp ý của phụ huynh, cử tri phản ánh về chất lượng, giá cả, quy trình lựa chọn, phân phối, phát hành SGK... |
Để triển khai năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6 và đối với các lớp còn lại theo lộ trình, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với tất cả các khâu, các quy trình liên quan tới việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK; bồi dưỡng giáo viên; hoàn thiện cơ sở vật chất...
“Làm sao để có những sản phẩm SGK chất lượng nhất, có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và điều kiện dạy học tốt nhất cho đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân” - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Định hướng đổi mới mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Chặng đường triển khai đổi mới CT,SGK, bắt đầu với lớp 1, trong năm học vừa qua, đã nhận được sự quan tâm của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm quan trọng sau 1 năm triển khai CT, SGK mới với lớp 1, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan các cấp; sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt sự dốc sức của những người triển khai, cụ thể là những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố hết sức quan trọng, để bảo đảm thành công của đổi mới giáo dục.
Lưu ý những vấn đề triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục kiên trì tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. "Đổi mới để chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đồng thời lưu ý cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn SGK, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất.
Năm học 2021-2022 vừa thực hiện mục tiêu đổi mới, bảo đảm chất lượng, cũng là năm học đầy thách thức do dịch bệnh. Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục quyết tâm, năng động và sáng tạo hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu đổi mới.