Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc hoàn thiện các chế độ ưu đãi người có công trên tinh thần không bỏ sót các đối tượng chính sách. |
Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), chiều 24/7.
Hệ thống chính sách ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã xúc động nghe các thương binh, bệnh binh đại diện người có công cả nước phát biểu, chia sẻ những tâm tư, tình cảm với đất nước, nhân dân, với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thương binh Lê Thịnh Vượng (sinh năm 1946, Thanh Hóa) bày tỏ vui mừng khi thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo về xử lý vướng mắc trong giải quyết chế độ một lần đối với chuyên gia sang giúp Lào thuộc Ban Xây dựng 64, trong đó có trường hợp của ông.
Bệnh binh Phạm Đức Hiểu (sinh năm 1954, Hà Nam) chia sẻ, từ năm 2010 đến nay, ông đã kết nối cùng anh em cựu chiến binh thu thập thông tin mộ của hơn 400 đồng đội đội, báo thông tin tới các gia đình liệt sĩ và đưa được 34 đồng đội từ các nghĩa trang liệt sĩ về quê hương. Đồng thời, ông đã cùng đồng đội vận động, đóng góp xây dựng 9 ngôi nhà thờ cúng liệt sĩ, 20 nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa 4 ngôi nhà cho các thương binh và gia đình liệt sĩ.
Qua chia sẻ của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng (sinh năm 1947, Hà Nội), những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phần ký ức hào hùng của dân tộc hiện lên một cách chân thật, rõ nét và đầy xúc động. Với hơn 3.000 bức tranh, tượng điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ đã để lại một gia tài đồ sộ, mang nhiều ý nghĩa về nghệ thuật và lịch sử. Trong đó, bức tranh Bác Hồ được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của ông được xem là biểu tượng cho niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, của địa phương gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.
Chăm lo người có công là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị
Tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng…
Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, huy động sự đóng góp của toàn dân cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chương trình tặng nhà tình nghĩa, các món quà cho thương binh hay tặng học bổng cho con em gia đình chính sách…
Đặc biệt, “Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện những chính sách đang xây dựng để ban hành sớm nhất có thể. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, phù hợp tình hình đất nước với tinh thần không bỏ sót các đối tượng chính sách. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội cho việc tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo. Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức là nguồn cảm hứng đến từng người dân, truyền cảm hứng cho thế hệ sau để chúng ta phát huy các thành tựu của các thế hệ đi trước, cùng nhau chiến thắng đại dịch./.