Nguồn vốn xanh còn rất hạn chế
Trên thế giới, tài chính xanh không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai mạnh mẽ các chính sách, cơ chế để khuyến khích tài chính xanh, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tài chính xanh và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn nhiều rào cản phía trước.
Tại Tọa đàm “Triển vọng phát triển tài chính xanh” mới diễn ra, chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về nguồn vốn, tính đến ngày 31/3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Trong khi đó, về trái phiếu xanh, hiện tại mới chỉ có 2 đơn vị là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) có các lô trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, với giá trị khoảng hơn 3.650 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy nguồn vốn xanh vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh. Mặt khác, thực tế các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời… vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quỹ tài chính xanh với hệ thống chính sách tài trợ tín dụng cho các dự án chuyển đổi năng lượng, tái tạo rừng, phát triển công nghệ sạch, công nghệ xanh.
Hiện nay, trên cả nước có một quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng, chỉ cho vay vào các dự án xử lý rác thải với điều kiện nghiêm ngặt như những khoản tín dụng bình thường. Theo đó, để vay vốn từ Quỹ này, doanh nghiệp cũng cần phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng, ưu đãi duy nhất là lãi suất thấp hơn thị trường 2%/năm.
“Theo tôi, đây chưa thể được coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô của nó lại càng không tương xứng với nhu cầu về tài chính xanh mà Ngân hàng Thế giới ước tính cần tới 360 - 400 tỷ USD để Việt Nam chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030” - TS. Nghĩa nói.
Quỹ Cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã dành 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn vốn này hiện cũng chưa tìm thấy dự án vay hoặc nhận tài trợ.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Bên cạnh hạn chế về nguồn vốn, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh còn gặp rào cản rất lớn về mặt khuôn khổ pháp lý.
Cụ thể, hiện nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia. Danh mục này là căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.
Trong ngành ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh (ban hành từ năm 2017), tuy nhiên, đây chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Hiện chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các Bộ, ngành khác. Do đó, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế.
"Việc thiếu các tiêu chí và danh mục phân loại xanh rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định các dự án đủ tiêu chuẩn để nhận được tín dụng xanh" - Luật sư Hà nói.
Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính xanh
Ở chiều ngược lại, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group), các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh.
Ông Tuấn cho biết, để nhận được nguồn vốn xanh, bên vay và bên cho vay phải trải qua nhiều bước đánh giá, trong đó có đánh giá tác động môi trường - xã hội và đánh giá độc lập từ bên thứ ba, kéo theo nhiều thủ tục, dẫn đến chi phí và công sức bỏ ra để vay vốn xanh sẽ nhiều hơn đáng kể so với vay vốn thương mại thông thường. Chính vì vậy, các tổ chức tài chính thường sẽ tìm kiếm những dự án có quy mô vay tương đối lớn.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, ít doanh nghiệp lớn, không có dự án đủ quy mô để có thể tiếp cận được nguồn vốn xanh. Thậm chí ngay cả khi đáp ứng được tiêu chí quy mô vay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn xanh bởi phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ bên cho vay trong khi lợi ích nhận về (chênh lệch lãi suất) không đáng kể so với vay thương mại thông thường.
Trở ngại nữa là yêu cầu của các tổ chức tài chính cấp vốn xanh về hệ thống quản trị phát triển bền vững, bao gồm hệ thống triển khai các hoạt động phát triển bền vững và hệ thống quản lý, đo lường và kiểm đếm các tác động đến môi trường - xã hội. Các thông tin liên quan phải được minh bạch và công bố định kỳ. Trong khi đó, nhìn chung, nhận thức về phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang chú trọng các hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, thu lợi nhuận, trả lương cho công nhân... chứ chưa ưu tiên xây dựng hệ thống quản trị bền vững một cách bài bản.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để “khơi dòng” tài chính xanh, cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Theo đó, các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển tài chính xanh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn về tăng trưởng xanh, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn… cho các bên liên quan.
Riêng về kênh dẫn vốn xanh thông qua thị trường trái phiếu xanh, ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc phụ trách tài chính bền vững của FiinRatings kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh; xây dựng danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước.
Hơn nữa, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu xanh, tạo động lực cho thị trường phát triển như có cơ chế ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ đầu tư đặc thù, giảm phí lưu ký, phí niêm yết, phí giao dịch cho trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…/.