Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh. Nhiều DN XKLĐ đang phải gồng mình để duy trì hoạt động vì doanh thu sụt giảm trầm trọng.
Theo đại diện nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, trong năm 2020, hoạt động XKLĐ của đơn vị chịu tổn thất do sụt giảm doanh số nghiêm trọng, số lao động xuất cảnh giảm 40%, số lao động tuyển mới giảm 30% - 50%. Trong khi đó, nhiều DN cũng không có cái nhìn khả quan về hoạt động XKLĐ năm nay, do diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước cũng như thế giới vẫn rất phức tạp.
Gần nửa triệu lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh. Trong ảnh, học viên tạiCông ty Cổ phần nhân lực quốc tế Việt đang tham gia hoạt động đào tạo, trước khi sang Nhật Bản. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều học viên chưa thể xuất cảnh. Ảnh: Vilaco |
Là một trong những DN XKLĐ cũng chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà Lưu Thị Ngọc Tuý - Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt (Vilaco) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, DN, cơ sở không thể sản xuất, kinh doanh như bình thường nên tiền lương và thu nhập của người lao động trong giai đoạn này bị giảm sút và điều kiện sinh hoạt bị ảnh hưởng. Tại thị trường lao động nước ngoài, nhiều công ty môi giới và nghiệp đoàn phải bố trí lại thời gian làm việc giãn cách nên những phát sinh xảy ra trong nhà máy không được giải quyết kịp thời. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước, gây tâm lý hoang mang cho gia đình và các học viên đã trúng tuyển chưa xuất cảnh, hoặc người lao động đang tìm hiểu các đơn hàng.
Xác định những khó khăn hiện tại sẽ kéo dài tới hết năm 2022, nhiều DN XKLĐ đều cho biết sẽ cố gắng gượng qua đại dịch. Trong thời gian này, DN sẽ thực hiện đổi mới công tác quản trị, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Tuy nhiên, điều mà DN XKLĐ mong mỏi lúc này, đó là Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho DN, người lao động. Cụ thể: Đối với những người lao động đã hết hạn hợp đồng đang bị mắc kẹt ở các nước cần được đưa về nước sớm để ổn định cuộc sống mới. Đối với những lao động trúng tuyển đã học xong và chờ bay cần được ưu tiên tiêm vắc xin sớm, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 (Điều 2, Khoản 1, Mục h về Đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí “Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài”).