Hội đồng Nhân dân chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(BKTO) - Ngày 07/3, tại Thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả nổi bật

Hội nghị đã nghe Báo cáo của UBTVQH; ý kiến phát biểu của các địa phương đã làm rõ thêm nhiều kết quả nổi bật, những kinh nghiệm hay, cách làm mới và bài học quý cũng như những tồn tại, hạn chế và có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực. Đây cũng là dịp để các địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026.                

   Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
   

Các báo cáo, tham luận tại Hội nghị cho biết, năm vừa qua, cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn phải gánh chịu thêm những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài việc tổ chức ít nhất 2 kỳ họp thường lệ, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp chuyên đề với phương thức điều hành linh hoạt, sáng tạo. Các địa phương đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo không bởi dịch bệnh mà tạm dừng. Thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp, hơn 85% kiến nghị cử tri đã được giải quyết. Hơn 89% khiếu nại, tố cáo của công dân được thụ lý, giải quyết.

Một số các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế … từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động nổi bật của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Theo đó, HĐND các địa phương đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ một cách linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tiễn của từng địa phương, chăm lo tốt đời sống nhân dân, quyết liệt phòng, chống dịch, đón hàng chục nghìn người lao động từ tâm dịch trở về địa phương. HĐND đã thực hiện tốt hoạt động giám sát, đổi mới nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn bằng nhiều hình thức…

   Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
   

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý một số hạn chế cần quan tâm, khắc phục như: tình trạng gửi tài liệu, báo cáo chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban; các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện; hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức; công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít; việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức; việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm.

Phó Chủ tịch Thường trực cũng chỉ ra tình trạng còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu tích cực, gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế. Trong mua sắm công, nhiều địa phương làm tốt, nhưng có địa phương không làm hoặc làm không đúng quy định dẫn đến bị sai phạm. HĐND là cơ quan giám sát nhưng lại không phát hiện ra những sai phạm này. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ họp còn một số hạn chế...

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị:                

   Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
   

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn, ... địa phương nào chưa có thì nên xây dựng để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND; tăng cường công tác thông tin truyền, mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu HĐND. Phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND.

Thứ ba, HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiệm kỳ này Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 về phương hướng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cả nhiệm kỳ, nhiều địa phương, HĐND đã và đang rà soát để ban hành một chương trình cho cả 5 năm.

Thứ tư, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát của 4 chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.

Thứ năm, tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND các tỉnh, thành phố; giữa UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND.

Trong năm 2022, UBTVQH giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐN các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp”, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng, tin tưởng HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt hơn năm 2021, đáp ứng yêu cầu của Đảng, sự kỳ vọng và mong muốn của nhân dân và cử tri của cả nước cũng như từng địa phương./.


Cùng chuyên mục
Hội đồng Nhân dân chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.