TổngKiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh (ngồi giữa) làm Trưởng đoàn Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN |
Hội nghị tập trung vào trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của 3 cơ quan KTNN Campuchia, Lào và Việt Nam trong việc thực hiện kiểm toán thu ngân sách thông qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT); đưa ra định hướng thúc đẩy hiệu quả hợp tác 3 bên trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh chia sẻ, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, KTNN Việt Nam đã dành sự quan tâm sâu sắc đối với các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó tập trung vào các mối quan hệ tốt đẹp truyền thống, lâu đời, nhất là mối quan hệ giữa 3 cơ quan KTNN Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trên thực tế, KTNN 3 nước đã có nhiều hoạt động hợp tác có ý nghĩa lớn về mặt ngoại giao, cũng như chuyên môn sâu trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, cụ thể là trong ASEANSAI, ASOSAI; tổ chức luân phiên thành công 8 hội nghị 3 bên về những chủ đề quan tâm chung.
“Diễn đàn của 3 cơ quan KTNN chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên thông qua chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy gắn kết lẫn nhau giữa 3 cơ quan, góp phần vào củng cố, khuyến khích quản trị tốt tại 3 quốc gia” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
TổngKiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN |
Liên quan đến chủ đề của Hội nghị 3 bên lần này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, sự vận động, phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng đem lại nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động kiểm toán. Theo đó, internet, điện toán đám mây và việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động cho phép các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán trong môi trường kết nối toàn cầu và hiệu quả kiểm toán có xu hướng được nâng cao...
Đi theo xu hướng chung của thế giới, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, KTNN Việt Nam đã, đang và sẽ tập trung phát triển các phần mềm để hỗ trợ quản lý và hoạt động kiểm toán trên nền tảng 4.0.
Đồng thời, Luật KTNN sửa đổi năm 2019 cho phép KTNN được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Trình bày tham luận về việc kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách thông qua hệ thống CNTT tại KTNN Việt Nam, bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - cho biết thời gian qua, KTNN đã chủ động chuẩn bị các nguồn lực và đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong các hoạt động kiểm toán như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), triển khai kiểm toán từ xa, sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm…, trong đó kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách thông qua hệ thống CNTT luôn được KTNN Việt Nam đặc biệt quan tâm.
PhóVụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lăng Trịnh Mai Hương trình bày tham luận. Ảnh: D.THIỆN |
Bà Lăng Trịnh Mai Hương cho biết, từ thực tiễn thực hiện kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách qua hệ thống CNTT, KTNN đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, cần tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo để nâng cao trình độ của kiểm toán viên, nhất là tập trung đào tạo kiểm toán viên am hiểu hệ thống CNTT và cách thức kiểm soát CNTT được thiết lập trên phần mềm nghiệp vụ.
Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ cho việc rà soát, phân tích thông tin và nâng cao năng lực của kiểm toán viên trong khai thác cơ sở dữ liệu; nghiên cứu xây dựng các cơ sở dữ liệu tương thích với hệ thống CNTT của cơ quan thuế, cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước để có thể xử lý dữ liệu trong trường hợp được chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu.
Thứ ba, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán thu ngân sách nói riêng luôn phải đối mặt với những rủi ro về an toàn hệ thống. Do vậy, cần chú trọng xây dựng các giải pháp bảo mật đa tầng, nhiều lớp đối với hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm, hệ thống điều hành quản trị.
Thứ tư, cần quan tâm đến các hướng dẫn kiểm toán quốc tế về kiểm toán CNTT, theo đó không đặt CNTT một cách riêng lẻ mà phải gắn với nghiệp vụ, với cốt lõi là việc tiến hành tập trung kiểm tra cách thức đơn vị triển khai kiểm soát quy trình, dữ liệu nghiệp vụ bằng CNTT.
Thứ năm, trong tổ chức kiểm toán cần phân bổ thời gian phù hợp cho khâu khảo sát, nắm bắt thông tin về hệ thống CNTT của đối tượng được kiểm toán, trong đó nếu tiếp cận được dữ liệu gốc tại khâu khảo sát sẽ quyết định rất lớn đến thành công của cuộc kiểm toán.
Thứ sáu, dữ liệu ngày càng có vai trò quan trọng, vì vậy phải coi dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên số công và phải được kiểm toán bởi KTNN và khai thác phục vụ công tác kiểm toán.
Cùng chia sẻ về chủ đề trên, KTNN Capuchia và KTNN Lào đã trình bày tham luận về kiểm toán thu ngân sách qua hệ thống CNTT của 2 cơ quan.
Hội nghịđược tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: D.THIỆN |
Tại phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu của KTNN Capuchia, Lào và Việt Nam đã trao đổi sâu hơn về các nội dung tham luận vàđóng góp ý kiến về việc đề ra định hướng thúc đẩy hiệu quả hợp tác 3 bên trong thời gian tới.
Đồng thời, 3 cơ quan đã thống nhất chủ đề của Hội nghị 3 bên lần thứ 10 là “Thực hiện kiểm toán trong trạng thái bình thường mới” và Hội nghị sẽ được tổ chức vào năm 2023 tại Việt Nam, gồm 1 hội thảo chung về chủ đề “Theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán” và 1 khóa đào tạo chung về nội dung “Kiểm toán hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng KTNN Lào Malaithong Kommasith đánh giá, với tinh thần làm việc trách nhiệm, trao đổi, thảo luận sôi nổi của 3 cơ quan, Hội nghị đã tổng hợp được những kinh nghiệm và thông lệ tốt trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách thông qua hệ thống CNTT, từ đó mỗi cơ quan sẽ đúc rút được những kinh nghiệm tốt, thiết thực, giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Tổng KTNN Lào cũng tin tưởng, qua Hội nghị lần này, sự hợp tác giữa 3 cơ quan KTNN Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả, bền chặt và phát triển hơn nữa./.